Mất 200 triệu đồng vì “công việc mơ ước”
Trên các nhóm tìm việc online, những thông tin quảng cáo, tuyển dụng việc làm thêm dịp này liên tục được đăng tải như với mức thu nhập hứa hẹn từ 100.000 - 300.000 đồng/ngày. Đối tượng tuyển dụng được nhắm đến là các mẹ bỉm sữa, học sinh, sinh viên mới ra trường... tìm kiếm việc làm thêm.
Cuối tháng 8.2024, chị Trần Thị Trà My (23 tuổi, quê Nghệ An) chính thức tốt nghiệp một trường đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội. Sau khi ra trường, chị vội vã tìm kiếm nơi làm việc bằng cách “rải” hồ sơ xin việc trên khắp các website, fanpage trên hội nhóm mạng xã hội Facebook. Sau đó, chị My mừng rỡ vì nhận được email thông báo đã trúng tuyển vòng 1 của vị trí nhân viên kinh doanh trong công ty kinh doanh xổ số kiến thiết. Với vòng thứ 2, công ty yêu cầu phỏng vấn online, chị My cần lập hồ sơ và tải lên ứng dụng nội bộ Workplace chat. Phòng nhân sự phía công ty sẽ gửi lời mời kích hoạt tài khoản đến email để trao đổi với nhân sự và hoàn tất hồ sơ.
Trúng tuyển vòng 2, chị My được thử việc, chạy số online và được tham gia một nhóm Telegram để làm việc. Theo chị My, trong nhóm cũng có nhiều nhân sự mới được tuyển dụng và đang trong thời gian thử việc như chị. Tất cả họ đều nhận yêu cầu tải thêm một loại app để làm nhiệm vụ.
“Ví dụ, tôi chuyển vào app này số tiền 700.000 đồng tôi sẽ nhận được lại 1 triệu đồng, công ty lãi 100.000 đồng còn tôi nhận về 200.000 đồng. Để vượt qua được các vòng tuyển dụng ở đây rất khó khăn nên khi nhận được 200.000 đồng đầu tiên tôi đã rất vui mừng. Tôi nghĩ đây là công việc mà nhiều người mơ ước” - chị My chia sẻ.
Cùng lúc này, tất cả thành viên trong nhóm được cho là nhân viên của công ty cũng đồng loạt làm nhiệm vụ. Chỉ trong vòng 1 ngày hôm đó, chị đã gửi vào app số tiền 150 triệu đồng. Song, để rút được số tiền này về, chị sẽ phải nộp tiếp 150 triệu đồng.
“Chúng còn bắt tôi cam kết phải chuyển tiền trong vòng 24 giờ, nếu không sẽ không đảm bảo giữ được tiền” - chị My nhớ lại.
Không có đủ 150 triệu đồng gửi vào tài khoản, chị My đã chuyển nốt 50 triệu đồng của mẹ vào với hy vọng thu lại được số tiền gốc. Cuối cùng, 200 triệu đồng mất trắng chỉ sau 1 ngày làm “công việc mơ ước” thì chị phát hiện mình đã bị lừa.
Tuyệt đối không đặt cọc tiền, giấy tờ tùy thân
Trao đổi với Lao Động, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho biết, nhu cầu tìm việc làm mới hay tìm việc làm thêm để tăng thêm thu nhập của lao động là rất lớn, nhất là vào thời điểm cận Tết. Các chiêu bài lừa đảo cũng rất đa dạng, từ lừa tiền, chiếm đoạt tài sản, lừa làm việc không công...
“Tuyệt đối không đặt cọc tiền, hay đặt cọc giấy tờ tùy thân. Khi thấy có dấu hiệu chiếm đoạt tiền, giữ giấy tờ tùy thân, cưỡng bức lao động... cần thông báo ngay cho cơ quan công an, chính quyền địa phương để được hướng dẫn, xử lý” - ông Thành khuyến cáo.
Mới đây, Công an tỉnh Quảng Bình cũng vừa phối hợp với Công an tỉnh Đồng Tháp và Công an TP Hà Nội làm rõ nhóm đối tượng chuyên làm giả hình ảnh, giấy tờ, tài liệu; làm giả, mua bán, trao đổi tài khoản ngân hàng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với thủ đoạn hết sức tinh vi.
Nhóm đối tượng chuyên hack các tài khoản Facebook, sau đó dùng các tài khoản này nhắn tin mua hàng, thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Khi mua hàng, các đối tượng này dùng các hóa đơn thanh toán giả gửi cho người bán để thực hiện hành vi lừa đảo.
https://laodong.vn/cong-doan/canh-bao-lua-dao-viec-lam-dip-tet-at-ty-2025-1445907.ldo