Bà Nguyễn Thị Quý – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Ninh Thuận, cho biết - LĐLĐ tỉnh vừa phát đi văn bản yêu cầu các cấp Công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên Zalo, Facebook của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp biết về các phương thức thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Hướng dẫn đoàn viên, người lao động cài đặt phần mềm phòng, chống lừa đảo “nTrust”… để nâng cao tinh thần cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm.
Theo Công an tỉnh Ninh Thuận, tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng hình thành "làng nghề", "tập đoàn" hoạt động lừa đảo với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng hoạt động có tổ chức, chuẩn bị kịch bản từ trước, hoạt động phạm tội gây thiệt hại tài sản rất lớn.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Công an tỉnh Ninh Thuận đã tiếp nhận 56 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, với số tiền bị chiếm đoạt hơn 30 tỉ đồng. Trong đó có 37/56 vụ bị hại là phụ nữ (chiếm 66%).
7 phương thức, thủ đoạn phổ biến các đối tượng thực hiện thời gian qua. Nhiều nhất là tuyển cộng tác viên bán hàng online hưởng hoa hồng cao, các đối tượng dụ dỗ bị hại đặt hàng trực tuyến, xử lý các đơn hàng trên các trang web giả mạo thương hiệu, sàn thương mại điện tử. Sau khi tạo niềm tin bằng các đơn hàng có giá trị nhỏ, có lợi nhuận, các đối tượng yêu cầu thực hiện các đơn hàng lớn, khi rút tiền lấy lý do là sai thông tin, lỗi mạng để tiếp tục yêu cầu bị hại nạp tiền và chiếm đoạt (xảy ra 24 vụ).
Giả danh cơ quan công an, Tòa án gọi điện thông báo người dân có liên quan đến vụ án, xử phạt nguội vi phạm giao thông, cập nhật dữ liệu trên ứng dụng định danh điện tử VNeID và yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để phục vụ công tác điều tra, xử lý rồi chiếm đoạt (8 vụ).
Mạo danh các công ty lớn, lấy Logo công ty, tập đoàn nước ngoài, mạo danh là đại diện hợp pháp của các công ty, tập đoàn kêu gọi đầu tư. Sau đó, kích thích lòng tham của bị hại rồi yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng, lừa hết tiền thì cắt đứt liên lạc với bị hại (6 vụ).
Lập sàn giao dịch ảo, lợi dụng tâm lý kiếm tiền nhanh, đầu tư có lợi nhuận cao của bị hại để gửi tiền đặt cọc đầu tư vào chứng khoán, tiền ảo, rồi chiếm đoạt số tiền của bị hại đặt cọc (3 vụ).
Nhắn tin làm quen với bị hại sau đó hứa hẹn tặng, gửi quà từ nước ngoài về Việt Nam và yêu cầu bị hại chuyển tiền để nhận quà hoặc vay mượn tiền rồi chiếm đoạt (3 vụ).
Lợi dụng các cá nhân, tổ chức có nhu cầu vay tiền, các đối tượng giả mạo các công ty tài chính, tạo các trang web giả mạo để lấy thông tin người vay, yêu cầu họ đóng phí vay tiền rồi chiếm đoạt. Một số trường hợp giả danh các công ty tài chính điện thoại, nhắn tin khủng bố đe doa bị hại và người thân để đòi nợ rồi chiếm đoạt tiền (2 vụ).
Một số thủ đoạn khác như hack tài khoản mạng xã hội để liên hệ mượn tiền bị hại, tham gia đăng ký thành viên của hội nhóm...(10 vụ).
Ngoài ra, qua công tác nắm tình hình tại một số tỉnh, lực lượng chức năng đã phát hiện các phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới như: giả danh cán bộ ngân hàng gọi điện, nhắn tin, gửi các link website giả mạo, hướng dẫn đăng nhập để đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài khoản, sau đó rút tiền trong tài khoản ngân hàng của bị hại; lừa đảo thông qua các hoạt động từ thiện, lừa đảo thông qua hoạt động giao hàng...
https://laodong.vn/cong-doan/canh-bao-cong-nhan-bay-lua-dao-tren-khong-gian-mang-cuoi-nam-1415511.ldo