Trong đó, khối hành chính sự nghiệp 799 đơn vị với 28.403 đoàn viên, khối doanh nghiệp có 837 đơn vị với 144.930 đoàn viên công đoàn, khu vực phi chính thức có 3 nghiệp đoàn cơ sở với 89 đoàn viên công đoàn.
Năm 2024, các cấp công đoàn trong tỉnh chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp, các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tốt các hoạt động chăm lo, đời sống, vật chất, tinh thần cho đoàn viên và người lao động; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động, đặc biệt là tiền lương, tiền thưởng cho người lao động nhân dịp các ngày lễ, Tết, Tháng công nhân, kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, qua đó động viên CNVCLĐ tích cực lao động, sản xuất công tác tốt, chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Năm 2024, tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp ổn định. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.
Vụ thứ nhất xảy ra tại Công ty TNHH Ruixing Việt Nam, thuộc LĐLĐ huyện Tiên Lữ (sản xuất giày). Ngày 18.6.2024, có hơn 100/412 CNLĐ của Công ty ngừng việc với lý do Công ty trả lương hàng tháng vào ngày 15 Dương lịch, tuy nhiên đến ngày 18.6 CNLĐ chưa nhận được lương tháng 5 và không có thông báo gì.
Ngoài ra, CNLĐ còn kiến nghị: Khu vệ sinh chật chội, điều kiện làm việc chưa đảm bảo... Ngay sau khi sự việc xảy ra, LĐLĐ huyện Tiên Lữ vào cuộc, phối hợp cùng công ty giải quyết sự việc. Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo Công ty hứa ngày 19.6 sẽ trả lương tháng 5 và đáp ứng các kiến nghị của người lao động, ngày 19.6, CNLĐ nhất trí, làm việc trở lại.
Vụ thứ 2 xảy ra tại Công ty TNHH Coporation Vina (xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Hồi 8h ngày 12.8.2024, có 70/1.291 CNLĐ công ty ngừng việc do không đồng tình với việc tăng lương cơ bản theo Thông báo của Công ty (Đối với công nhân xếp loại A là 150.000 đồng/tháng, xếp loại B là 120.000 đồng/tháng, xếp loại còn lại là 100.000 đồng/tháng). Đại diện người lao động cho rằng mức tăng này là quá thấp nên đề nghị mỗi loại tăng thêm từ 100.000 - 200.000 đồng.
Nắm được thông tin sự việc, LĐLĐ tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo LĐLĐ huyện Văn Lâm nắm bắt tình hình diễn biến vụ việc; 10h cùng ngày, Lãnh đạo công ty tổ chức buổi đối thoại với công nhân lao động. Kết quả, đến 15h ngày 12.8.2024, Tổng giám đốc đã nhất trí họp và sớm ban hành thông báo kết quả đối thoại và người lao động trở lại làm việc bình thường.
Thời gian qua, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động, nắm bắt, phản ánh kịp thời tình hình đời sống, việc làm, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp về tiền lương, tiền thưởng dịp lễ Tết. Tập trung tổ chức Chương trình “Tết Sum vầy – Xuân chia sẻ”; trao trợ cấp, tặng quà, hỗ trợ chuyến xe, vé xe cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn về quê ăn Tết; phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện các chế độ chính sách cho CNVCLĐ dịp Tết…
https://laodong.vn/cong-doan/cong-doan-chu-dong-xu-ly-tranh-chap-lao-dong-1445867.ldo