NLĐ ngồi phòng riêng có bảo vệ giám sát
Trong đơn gửi Báo Lao Động, chị Huỳnh Thị Thúy An (41 tuổi, ngụ huyện Long Thành) cho biết, năm 2008, chị được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Long Long Thành, công việc là nhân viên hành chính tổng hợp thuộc Bộ phận đảm bảo chất lượng.
Trong quá trình làm việc, chị An cho biết mình hoàn thành các nhiệm vụ được giao, không vi phạm nội quy công ty, nhưng từ ngày 1.1.2024, công ty có xây dựng và áp dụng sơ đồ tổ chức mới thay đổi cấu trúc của Bộ phận đảm bảo chất lượng.
Đến tháng 3.2024, công ty thông báo vị trí nhân viên hành chính tổng hợp có sự thay đổi và công ty thỏa thuận sắp xếp cho chị An làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
“Sau các lần họp, tôi không đồng ý làm công việc khác mà công ty đưa ra, ngày 19.11.2024, công ty cho bộ phận IT lập biên bản và thu hồi máy tính… Đến ngày 25.12.2024, công ty bố trí cho tôi ngồi phòng riêng biệt và có bảo vệ giám sát…” - chị An bức xúc.
Bị hạn chế đi lại trong nhà máy
Chị An cho biết, từ năm 2023, chị được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra của công đoàn cơ sở công ty.
Chị An đề nghị Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Long Long Thành bố trí công việc và vị trí làm việc cho chị theo hợp đồng lao động và đúng quy định của pháp luật.
Ngày 8.1, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Trịnh Ngọc Thuận - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Long Long Thành cho biết, để đáp ứng tình hình kinh tế mới nên tại công ty có nhiều vị trí thay đổi, như việc ban hành tài liệu sẽ không dùng trên giấy mà chạy trên hệ thống số, do đó công việc trên không còn tồn tại.
Đối với trường hợp của chị Huỳnh Thị Thúy An, công ty đã đàm phán để sắp xếp một số công việc, nhưng người lao động không đồng ý. Hiện công ty vẫn trả lương cho người lao động.
Hiện tại do người lao động không làm việc nên hạn chế đi lại trong nhà máy, các hoạt động phải báo cáo lên cấp trên để sắp xếp - ông Thuận cho biết thêm.
Phản hồi sự việc khiếu nại của người lao động Huỳnh Thị Thúy An, công ty cho biết vẫn đang triển khai các giải pháp thương lượng để tìm được thỏa thuận chung phù hợp, đảm bảo lợi ích chính đáng cho hai bên.
Ngày 8.1, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn - LĐLĐ tỉnh Đồng Nai phân tích: Về mặt pháp luật, việc phân công công việc là quyền của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, đối với hành vi cho người lao động ngồi phòng riêng, cho bảo vệ giám sát là mang tính chất đối xử không công bằng với người lao động, có dấu hiệu cô lập khiến người lao động chán nản phải tự viết đơn xin thôi việc. Mục đích người lao động vào công ty làm việc để có lương chứ không phải để ngồi chơi.
Riêng đối với trường hợp của chị Huỳnh Thị Thúy An, vừa là người lao động vừa là cán bộ công đoàn tại Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Long Long Thành, trung tâm đã và đang hỗ trợ người lao động bảo vệ quyền lợi.
Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận đơn
Ngày 8.1, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Cao Duy Thái - Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, đã tiếp nhận đơn của chị Huỳnh Thị Thúy An - người lao động Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Long Long Thành. Ông Thái cho biết, theo quy trình xử lý, thẩm quyền lần 1 là của doanh nghiệp nên chuyển đơn cho doanh nghiệp giải quyết trong vòng 30 ngày. Nếu người lao động không đồng ý thì khiếu nại lần 2 là thẩm quyền của Thanh tra sở.
https://laodong.vn/cong-doan/khong-dong-y-doi-cong-viec-nguoi-lao-dong-bi-cho-ngoi-rieng-1447216.ldo