Thời sự
Cập nhật lúc 08:07 15/02/2025 (GMT+7)
Doanh nghiệp đau đầu vì hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử

Thời gian qua, vẫn còn tình trạng hàng giả, hàng nhái được bày bán trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Điều này đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ để xử lý.

Doanh nghiệp đau đầu vì hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử
Cơ quan chức năng cần có giải pháp căn cơ ngăn chặn hàng giả trên thương mại điện tử. Ảnh minh hoạ: Thu Giang

Hàng giả tràn lan trên nền tảng thương mại điện tử

Phản ánh đến Báo Lao Động, đại diện Công ty TNHH mỹ phẩm H.A cho biết, hiện nay, có nhiều gian hàng trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiktok shop… bán hàng giả mạo sản phẩm của công ty. Trong đó có 2 sản phẩm độc quyền là tinh dầu xua đuổi chuột và tinh dầu xua đuổi thằn lằn Asa Ratpel.

Ông Bùi Ngọc Hùng - Phó Giám đốc thường trực Công ty TNHH mỹ phẩm H.A cho hay, tính đến tháng 12.2024, qua kiểm tra, phát hiện có 14 cửa hàng các nền tảng thương mại điện tử bán hàng giả sản phẩm của công ty.

Công ty đã liên hệ trực tiếp đến một số cửa hàng, yêu cầu chấm dứt hành vi bán hàng giả, hàng nhái, nhưng không được hợp tác, thậm chí còn "chạy quảng cáo" sản phẩm giả mạo như thách thức pháp luật.

Công ty đã gửi 3 công văn đến các công ty quản lý sàn thương mại điện tử để được hỗ trợ, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

"Hành vi mua bán hàng giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh sản phẩm của công ty. Những hành vi này gây hiểu lầm, thiệt hại cho người tiêu dùng - khi mua phải các sản phẩm giả, kém chất lượng. Hệ lụy dẫn đến việc người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm chính hãng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp", ông Hùng nói.

Quản lý thế nào?

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử vượt mốc 25 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2023.

Tuy nhiên, số vụ vi phạm bị xử lý về hàng giả, hàng nhái, cạnh tranh không lành mạnh cũng tăng 2,4 lần, số tiền xử phạt tăng gần 3 lần, trong đó, khoảng 30.000 cá nhân kinh doanh online vi phạm về thuế.

Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và thái độ thiếu chuyên nghiệp của chủ hàng có lẽ là "trải nghiệm tồi tệ" mà nhiều người mua hàng online đã từng gặp phải khi mua sắm trực tuyến.

Trên các sàn thương mại điện tử hiện nay, thông tin về người bán chủ yếu được họ tự cung cấp, từ số điện thoại, email đến các giấy tờ cá nhân như căn cước.

Mức độ tin cậy của những thông tin này rất thấp, bởi người bán có thể tạo các tài khoản ảo, mượn giấy tờ của người thân để né tránh biện pháp xử lý của nền tảng hoặc cơ quan chức năng khi có sự cố xảy ra. Thực tế này đã tạo ra một môi trường giao dịch thiếu an toàn và dễ bị lợi dụng.

Tại hồ sơ dự thảo Nghị định về quản lý thuế với kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, Bộ Tài chính cho biết có khoảng 300.000 cá nhân đang bán hàng tại hơn 400 sàn, theo dữ liệu được các bên cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Số thuế nhóm này nộp trong năm ngoái khoảng 2.500 tỉ đồng.

Ngoài số trên, theo nhà điều hành, một lượng lớn các gian hàng kinh doanh trên các nền tảng thương mại vẫn chưa định danh được người bán. Thống kê riêng tại 5 sàn thương mại điện tử lớn (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Grab) có hơn 300.000 gian hàng chưa định danh được người dùng. Doanh số kinh doanh ước tính của nhóm này khoảng trên 70.000 tỉ đồng.

Bộ Tài chính ước tính, với mức thuế hộ, cá nhân kinh doanh online sẽ nộp cho hai loại thuế này tổng cộng 1,5% trên tổng doanh thu khoảng 70.000 tỷ đồng thì số thu thuế ước tính khoảng 1.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, số thu thuế từ hộ, cá nhân kinh doanh này rất thấp. Số thuế thu được chỉ chiếm khoảng 20% quy mô doanh thu thị trường này. Theo Bộ Tài chính, điều này cho thấy nhiều đối tượng kinh doanh chưa kê khai, nộp thuế theo quy định.

Ông Nguyễn Bình Minh - Trưởng Ban Phát triển nguồn lực Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, trước đây, để tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển, cơ quan quản lý và các sàn chỉ đòi hỏi người bán có địa chỉ email, khai báo tên cửa hàng, loại hàng hóa là có thể giao dịch.

Điều này dẫn tới nhiều người sử dụng tài khoản với nhân thân "ảo" mở nhiều gian hàng nhằm chia nhỏ đơn hàng để né thuế, livestream bán hàng mà không bị kiểm soát thuế hoặc bán hàng giả, hàng kém chất lượng...

"Không chỉ thất thu thuế, nếu không sớm định danh người bán hàng online, người mua hàng sẽ nghi ngại khi giao dịch trên sàn, dẫn đến tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử sẽ giảm", ông Minh cảnh báo.

https://laodong.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-dau-dau-vi-hang-gia-hang-nhai-tren-san-thuong-mai-dien-tu-1463139.ldo

Anh Tuấn (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: