Đổi xe cũ lấy xe xanh, bước đệm để Hà Nội triển khai vùng phát thải thấp
Từ năm 2025, Hà Nội sẽ cấm phương tiện không đạt chuẩn khí thải tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình. Các chuyên gia cho rằng, đây là bước tiến để giảm ô nhiễm, nhưng cần hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện cũ gây ô nhiễm sang xe xanh.
Mong được hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi
Ngay khi đọc được thông tin về việc “từ năm 2025 đến năm 2030, Hà Nội cấm một số loại ôtô, xe máy xăng gây ô nhiễm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình”, anh Trần Ngọc Thái (quê Hà Nam) không khỏi lo lắng.
Anh Thái cho biết, chiếc xe máy anh đang sử dụng được bố mẹ anh mua từ cách đây 15 năm. Do thường xuyên phải chở hàng hóa nặng, nên xe đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, thải ra khí đen. "Trong trường hợp phải chuyển đổi phương tiện sang xe điện để đi vào vùng phát thải thấp, tôi hy vọng thành phố sẽ hỗ trợ cho những lao động nghèo như tôi phần nào chi phí" - anh Thái nói.
Theo UBND TP Hà Nội, báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016-2020, cho thấy nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại TP Hà Nội trong giai đoạn 2018-2020 vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Nồng độ bụi PM10 trung bình năm vượt quá giới hạn từ 1,3 đến 1,6 lần.
Tổng hợp từ kế hoạch quản lý môi trường không khí TP Hà Nội đến năm 2030, định hướng tới năm 2035, nguồn gây ô nhiễm không khí tại chỗ cho Hà Nội chủ yếu là các nguồn phát thải từ các phương tiện giao thông đường bộ (phương tiện phát thải chính trong giao thông là xe máy, tiếp đến là xe tải và xe taxi) và nguồn bụi đường.
Số liệu của Sở GTVT TP Hà Nội, tổng số phương tiện quản lý tính đến tháng 4.2024 gồm hơn 8 triệu phương tiện giao thông đường bộ trong đó khoảng 1,1 triệu ôtô và 6,9 triệu môtô. Đặc biệt, số lượng xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm 72,58% làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí nếu các xe cũ không được bảo dưỡng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất.
Do vậy, việc ban hành Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn TP Hà Nội sẽ tạo ra môi trường sống xanh - sạch - đẹp, cải thiện chất lượng không khí tại khu vực, từ đó thu hút du khách và các nhà đầu tư, đồng thời nâng cao chất lượng sống của người dân địa phương.
Theo nội dung Nghị quyết, các biện pháp sẽ áp dụng trong vùng phát thải thấp là cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng phát thải thấp. Hạn chế hoặc cấm xe ôtô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe môtô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 lưu thông vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực...
Đồng thời, thành phố sẽ đề xuất chính sách hỗ trợ những đối tượng sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp, các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, phương tiện giao thông không phát thải.
Về lộ trình thực hiện vùng phát thải thấp, từ năm 2025 đến năm 2030, thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình (khuyến khích các địa phương lập vùng phát thải thấp).
Trao đổi với Lao Động sáng 15.12, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Trung Dũng cho biết, hiện quận đang lên kế hoạch triển khai. "Việc này cần có lộ trình triển khai cụ thể, không vội được" - ông Dũng nói.
Chuyển đổi xe điện, tăng cường phương tiện công cộng
Trao đổi với Lao Động, TS Phan Lê Bình - Chuyên gia giao thông, Trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản, cần làm rõ cách nhận diện, phân biệt những loại xe máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông (nguyên Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giao thông Vận tải), việc hạn chế khí thải của các phương tiện giao thông, trong đó chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện là cần thiết. Muốn làm được điều này, theo chuyên gia giao thông, Hà Nội cần làm rõ cách tổ chức, kiểm tra; phân loại các xe ra sao; cần chắt lọc, sàng lọc kỹ lưỡng... Thêm vào đó, cần có trạm đo đặt tại một số khu vực để kiểm soát các xe ra vào.
Ông Thủy cũng nhấn mạnh, Hà Nội cần có nguồn ngân sách để hỗ trợ người dân đổi sang các loại xe máy đạt chuẩn/xe máy điện.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ (Trường Đại học Giao thông Vận tải), trong quá trình Hà Nội triển khai vùng phát thải thấp, việc hỗ trợ người dân chuyển đổi sang xe điện là bước đệm quan trọng. Hà Nội cần có quá trình tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng, từ đó phân loại từng đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ đổi xe điện sang xe xăng.
Ngoài việc hỗ trợ người dân, cần tăng cường các tuyến xe buýt, các trạm xe đạp công cộng tại khu vực phát thải thấp. Với đặc trưng nhiều ngõ nhỏ ở Hà Nội, cũng cần có thêm các loại xe buýt nhỏ, xe điện chạy dịch vụ để đi vào các khu vực này.
"Hiện nguồn gây ô nhiễm không khí chính của Thủ đô là từ các phương tiện giao thông đường bộ. Nếu triển khai hiệu quả vùng phát thải thấp, chất lượng không khí của 2 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm chắc chắn được cải thiện" - ông Toản nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, đã có báo cáo với lãnh đạo Chính phủ, xin nghiên cứu phương án làm việc với các nhà sản xuất phương tiện để có chương trình giảm thiểu xe máy vào vùng phát thải thấp. Theo đó, sẽ có chương trình đổi xe, hỗ trợ đổi xe, giảm giá để người dân trong vùng phát thải thấp đi xe điện, không đi xe máy.
“Người dân sống ở đây cần có chương trình hỗ trợ, giảm giá đổi xe để người dân cơ bản sử dụng xe điện. Tôi sẽ có kế hoạch làm việc với các công ty sản xuất xe. Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm, thế mới sạch được” - Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.
https://laodong.vn/xa-hoi/doi-xe-cu-lay-xe-xanh-buoc-dem-de-ha-noi-trien-khai-vung-phat-thai-thap-1435743.ldo
KHÁNH AN (BÁO LAO ĐỘNG)