Mỗi người làm một việc nhỏ, triệu người sẽ thành việc lớn
Liên tục trong mấy ngày đầu năm 2025, thông tin về môi trường Hà Nội rất đáng báo động. Ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất hoặc nhì thế giới, kể cả ngày xuống thấp nhất 9.1, cũng xếp thứ nhất với chỉ số AQI ở mức nguy hại cao đến sức khỏe con người.
Những thông tin “ô nhiễm nhất” thường xuyên xuất hiện, nhưng nhiều người cho đó không phải chuyện của mình, ô nhiễm có người khác lo. Xe cộ vẫn xả thải, con người vẫn xả rác, các công trường xây dựng vẫn cứ xả bụi bẩn, người dân vẫn đốt rơm rạ, rác thải, vàng mã. Lượng phương tiện cá nhân tăng từng ngày, xe cộ ngày càng chật cứng đường phố, có mấy ai quan tâm đến bầu không khí đang quá tải vì các loại chất độc hại.
Từ năm 2025 đến năm 2030, Hà Nội thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình. Các biện pháp sẽ áp dụng trong vùng phát thải thấp là cho phép các phương tiện giao thông không phát sinh khí thải, xe cơ giới thân thiện môi trường, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh.
Phải bắt tay vào làm ngay và làm nhanh, môi trường không khí được cải thiện ngày nào, sức khỏe người dân bớt bị đe dọa ngày đó.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải triển khai các dự án giao thông công cộng để người dân thay thế phương tiện cá nhân. Hệ thống giao thông công cộng hiện đại không chỉ thay đổi bộ mặt giao thông đô thị, mà còn góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do các loại phương tiện cá nhân gây ra.
"Hà Nội lúc nào cũng bụi, cả nhà ra ngắm hồ Gươm xanh", đó là lời trong ca khúc "Ngẫu hứng phố" của nhạc sĩ Trần Tiến, âm nhạc lãng mạn nhưng cũng tả thực môi trường ô nhiễm của Hà Nội, tất nhiên cho dù nhạc sĩ có trí tưởng tượng giàu đến mấy cũng không nghĩ ra có ngày Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới. Để cho "câu hát" chỉ là ký ức của một thời đã qua, thì phải hành động từ hôm nay.
Cùng với xây dựng hệ thống giao thông công cộng văn minh, chính quyền hành động bằng cách xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các công trình, công trường xây dựng không tuân thủ. Phải áp dụng xử phạt bất cứ ai vi phạm xả rác, xả thải ra môi trường.
Người dân phải tham gia hành động vì một Hà Nội xanh bằng những việc làm hằng ngày của mình. Đó là, lựa chọn phương tiện công cộng để đi lại trong điều kiện phù hợp, không xả rác, đốt rác bừa bãi, chấp hành quy định sử dụng xe điện ở khu vực cấm xe xăng...
Mỗi người một việc nhỏ, nhưng triệu người sẽ thành việc lớn.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/moi-nguoi-lam-mot-viec-nho-trieu-nguoi-se-thanh-viec-lon-1447786.ldo
Lê Thanh Phong (BÁO LAO ĐỘNG)