Sau tinh gọn, cán bộ yếu kém không thể cứ ngồi như thế mãi
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói cán bộ yếu kém không thể cứ ngồi như thế mãi và yêu cầu sau 6 tháng hoặc 1 năm không đáp ứng công việc thì phải thay.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu sau 6 tháng hoặc 1 năm, nếu cán bộ không đáp ứng công việc thì phải thay. Ảnh: Trần Thi
Tại buổi công bố thành lập tổ chức bộ máy và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị trực thuộc sau tinh gọn bộ máy ngày 20.2, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã có những chỉ đạo rất đáng chú ý.
Ông Quảng yêu cầu sau tinh gọn, thành phố phải lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ để đánh giá, bố trí cán bộ. Đồng thời thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy là sau 6 tháng hoặc 1 năm, cán bộ không đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ thì cương quyết bố trí nhiệm vụ khác.
Đây không phải lần đầu tiên ông Quảng đề cập đến vấn đề này. Trước đó ngày 3.2, tại buổi gặp mặt kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Quảng cũng chỉ đạo tương tự.
Ông Quảng đề nghị Ban Thường vụ đưa ra bàn và thống nhất tiêu chí để tránh tình trạng sắp xếp, bố trí rồi thì đương nhiên cán bộ cứ ngồi mãi, dù không làm được việc.
Trước bối cảnh tinh gọn bộ máy hành chính theo Nghị quyết 18 của Trung ương, chỉ đạo này có ý nghĩa quan trọng, cho thấy sự mạnh mẽ và quyết liệt của lãnh đạo Đà Nẵng trong việc nâng cao chất lượng bộ máy theo hướng gọn nhưng phải tinh.
Động thái này buộc cán bộ, công chức phải đối diện với áp lực nâng cao năng lực, trách nhiệm. Nếu trước đây, việc “tránh né” hoặc “ngồi im” trong bộ máy cồng kềnh còn có thể bị che lấp thì nay, mọi nhiệm vụ được phân công sẽ có thước đo, tiêu chí cụ thể.
Cán bộ nào có ý định “giữ ghế” cho qua ngày sẽ khó lòng trụ vững nếu không có sản phẩm và kết quả cụ thể. Cùng với đó, người dân và các cơ quan liên quan cũng có thêm căn cứ để giám sát, kịp thời phát hiện cán bộ yếu kém hoặc làm việc theo kiểu hình thức.
Quy trình đánh giá định kỳ 6 tháng đến 1 năm, nếu triển khai triệt để sẽ góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm để phụng sự nhân dân tốt hơn.
Tinh gọn là để loại bỏ những cán bộ, công chức, lãnh đạo không làm được việc để lấy chỗ cho người có năng lực. Do vậy những người ở lại, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo cũng phải chứng minh năng lực để cho thấy mình xứng đáng và tổ chức đã lựa chọn đúng.
Tất nhiên, để triển khai hiệu quả, Đà Nẵng cần xây dựng bộ tiêu chí, quy trình đánh giá khách quan, minh bạch. Cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ là cụ thể ở điểm nào, dựa trên chỉ số, kế hoạch, tiến độ ra sao, cần được quy định rõ.
Có như thế, việc đánh giá mới thuyết phục và việc thay thế, luân chuyển cán bộ mới minh bạch, rõ ràng.
Cuối cùng, người dân mong thông điệp của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng không chỉ dừng lại ở việc “dọa” hay lời “răn đe” mang tính hình thức mà phải được thực hiện quyết liệt kiểu nói được làm được.
Chỉ khi những cán bộ yếu kém thực sự bị thay thế một cách tâm phục khẩu phục và những người có năng lực được trọng dụng, bộ máy hành chính mới vận hành thông suốt, tạo ra giá trị thiết thực cho cộng đồng và nâng cao lòng tin của nhân dân.
Và đó cũng chính là gốc rễ của việc tinh gọn bộ máy để xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả như mong muốn.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/sau-tinh-gon-can-bo-yeu-kem-khong-the-cu-ngoi-nhu-the-mai-1466285.ldo
Hoàng Văn Minh (BÁO LAO ĐỘNG)