Thời gian đóng bảo hiểm xã hội để nhận lương hưu chỉ còn 15 năm, đây là tin vui với công nhân lao động. Ảnh: Mạnh Cường.
Với nhiều người lao động trung niên tham gia bảo hiểm xã hội muộn, đây là cơ hội để họ tiếp cận hệ thống an sinh.
Bà Phạm Thị Toan (49 tuổi) cho hay, bà bắt đầu bước vào môi trường công ty làm việc từ năm 42 tuổi đến hiện tại đã được 8 năm. Theo nữ công nhân, bên cạnh thu nhập ổn định, lương hưu là điều bà quan tâm hàng đầu khi quyết định vào công ty làm việc.
“Trước đây, nhìn những người có lương hưu khi về già, những lao động chân tay như chúng tôi ngưỡng mộ và ao ước lắm. Vì thế, ngay khi công ty về quê tuyển công nhân, tôi đã xin vào làm việc” - bà Toan nói.
Bà Toan cho biết, trước khi vào công ty, công việc của bà không ổn định, thu nhập khá thấp, chủ yếu dựa vào đồng ruộng. Có lương hưu, bà sẽ an tâm khi về già mà không phiền muộn đến con cái nhiều.
Bà Toan phấn khởi khi chỉ cần tham gia bảo hiểm xã hội 15 năm là được hưởng lương hưu. Ảnh: NVCC
Theo nữ công nhân, giảm quy định xuống còn 15 năm đóng bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu là mong mỏi của rất nhiều người lao động, đặc biệt là lao động chân tay và lao động nữ trung niên.
“Nhiều lao động muốn được đóng bảo hiểm xã hội sớm nhưng 10 năm trước có rất ít công ty, lại chủ yếu là công ty may. Họ chỉ nhận người trẻ nhanh nhẹn, trên 40 tuổi như chúng tôi gần như không còn cơ hội” - bà Toan chia sẻ.
Theo bà Toan, lao động nữ sức khỏe thường nhanh đi xuống hơn so với lao động nam. Bên cạnh đó, khá ít người làm đến tuổi 55, hầu như đều xin nghỉ sớm do không thể đáp ứng được guồng quay công việc ngày càng vất vả, áp lực.
Với chính sách mới, bà Toan tính toán, làm đến 55 tuổi đã đóng bảo hiểm xã hội được 14 năm. Một năm còn lại, bà sẽ cố gắng làm việc hoặc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện nếu nghỉ việc để an tâm chờ đến tuổi hưởng lương hưu.
Ông Nguyễn Văn Chinh (48 tuổi) rất ủng hộ với quy định chỉ cần đóng bảo hiểm 15 năm sẽ được hưởng lương hưu. Theo nam công nhân, chính sách sẽ hiện thực hóa ước mơ có lương hưu của rất nhiều lao động tham gia bảo hiểm xã hội muộn.
“Vào công ty từ khi 45 tuổi, tôi chỉ cần làm đến 60 tuổi là có thể được hưởng lương hưu. Tuy khoản tiền này không quá cao nhưng vẫn hơn là không có” - ông Chinh cho hay.
Trước đây, ông Chinh thường có suy nghĩ rút bảo hiểm xã hội một lần. Song với quy định mới, ông tự nhủ phải làm ít nhất 15 năm. Nam công nhân cũng khẳng định sẽ không rút bảo hiểm xã hội một lần mà để lại hưởng lương hưu.
Giải thích kỹ hơn, ông Chinh cho rằng, 20 năm là con số khá lớn đối với những lao động tham gia bảo hiểm xã hội muộn về nhiều phương diện.
Theo nam công nhân, công nhân lao động sản xuất trực tiếp không nhiều người làm được đến 55 tuổi, rất khó để làm đến tuổi nghỉ hưu. Do vậy, chỉ cần đóng đủ số năm bảo hiểm xã hội, dù không còn đi làm, người lao động có thể bảo lưu hoặc tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đến khi đủ tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu.
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 1.7.2025, quy định người lao động đóng bảo hiểm xã hội đóng đủ 15 năm được hưởng lương hưu hàng tháng. Quy định về số năm đóng tối thiểu này không áp dụng với người hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.
Do giảm điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn 15 năm, Luật cũng quy định cách tính mức hưởng lương hưu mới.
Đối với lao động nữ, mức lương hưu hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Đối với lao động nam, mức lương hưu hàng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
https://laodong.vn/cong-doan/45-tuoi-di-lam-duoc-huong-luong-huu-theo-luat-moi-1467125.ldo