Đề xuất thí điểm cấp giấy phép cho lao động nước ngoài tại 3 địa phương. Ảnh: TTX
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang xây dựng dự thảo về thí điểm liên thông ưu tiên tái cấu trúc quy trình, tích hợp và cung cấp đồng thời thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam và cấp phiếu lý lịch tư pháp. Thí điểm sẽ được thực hiện tại 3 địa phương gồm Hà Nội, Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trước đó, ngày 28.2.2024, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg phê duyệt danh mục nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông ưu tiên tái cấu trúc quy trình trên cổng dịch vụ công quốc gia năm 2024. Tuy nhiên, hai thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp và cấp giấy phép lao động có sự khác biệt đáng kể về đối tượng thực hiện, hồ sơ cần thiết và thẩm quyền giải quyết.
Cụ thể, thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp được thực hiện theo Luật lý lịch tư pháp, yêu cầu cá nhân trực tiếp nộp hồ sơ. Trong khi đó, thủ tục cấp giấy phép lao động tuân theo Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn liên quan, yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện.
Do sự khác biệt này, hai thủ tục hành chính chưa thể kết nối hiệu quả.
Để khắc phục hạn chế, Bộ LĐTBXH đề xuất thí điểm liên thông 2 thủ tục trên, đồng thời triển khai trên môi trường mạng mà không yêu cầu cơ sở dữ liệu định danh hay xác thực điện tử của người nước ngoài.
Theo dự thảo, quy trình thực hiện liên thông như sau:
Người sử dụng lao động nước ngoài nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động và phiếu lý lịch tư pháp, kèm theo bản điện tử, đến Sở LĐTBXH nơi người lao động dự kiến làm việc.
Sở LĐTBXH tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và gửi phiếu hẹn trả kết quả trong vòng 15 ngày làm việc. Đồng thời, sở sẽ chuyển hồ sơ đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp đến Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia theo mẫu quy định.
Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia sẽ tiến hành thẩm định và gửi kết quả bản điện tử về kho quản lý dữ liệu điện tử của cá nhân cũng như địa chỉ email đã đăng ký. Sở LĐTBXH hoàn thiện, thẩm định hồ sơ và trả kết quả giấy phép lao động cùng bản điện tử phiếu lý lịch tư pháp cho người sử dụng lao động.
Theo Bộ LĐTBXH, việc thí điểm sẽ tạo điều kiện thông thoáng hơn cho doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng lao động nước ngoài, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và tình hình thực tiễn của Việt Nam.
https://laodong.vn/cong-doan/de-xuat-cap-giay-phep-cho-lao-dong-nuoc-ngoai-1466067.ldo