Mỗi tháng để ra 3 triệu đồng
Chị Phạm Thị Hoa là nhân viên hành chính của một doanh nghiệp kinh doanh thiết bị nhà bếp tại đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Theo chị Hoa, gọi là “công việc hành chính” cho… sang, thực chất công việc hằng ngày của chị như 1 nhân viên tạp vụ.
7h sáng, chị Hoa có mặt tại trụ sở công ty, cũng là nơi có showroom đặt các thiết bị nhà bếp. “Tôi tranh thủ lau dọn trong 45 phút trước khi nhân viên công ty đến làm việc. Ngoài vệ sinh bàn ghế, dọn rửa ấm chén, tôi tranh thủ lau 1 lượt các thiết bị trưng bày, bật đèn chiếu. Khi nhân viên đến đủ, tôi chấm công, đặt cơm trưa, làm các công việc khác phát sinh…”, chị Hoa nói.
Cũng theo chị Hoa, công việc của chị kết thúc lúc 17h30 chiều, vì con cái đã lớn nên chị tranh thủ nhận dọn nhà luân phiên cho vài gia đình quen biết. Các mối dọn nhà cũng mang lại cho chị thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. “Cộng với lương 7,5 triệu đồng/tháng ở công ty, tôi có tổng thu nhập 12,5 triệu đồng/tháng”, chị Hoa cho hay.
Vì nuôi 2 con cùng học đại học nên chị Hoa và chồng khá vất vả. Chồng chị Hoa làm nghề thu mua phế liệu tại xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội), thu nhập không ổn định, tháng cao điểm, có thể kiếm được khoảng 20 triệu đồng, tháng thấp điểm chỉ được 5-6 triệu đồng.
Chị Hoa quê ở Thái Bình, chồng chị quê Nghệ An, anh chị lấy nhau đã 23 năm, chỉ trừ khi con còn nhỏ thì mỗi năm ăn Tết một quê; từ khi các cháu vào cấp 2, năm nào gia đình cũng ăn Tết đủ 2 quê. Năm nay giao thừa nhà nội thì mồng 3 vào nhà ngoại, và ngược lại.
Một kinh nghiệm được chị Hoa chia sẻ để có đủ tiền lo Tết, là cứ đầu quý IV hằng năm, khi nhu cầu thê dọn dẹp của các công sở, văn phòng và hộ gia đình tăng cao, chị tranh thủ nhận lịch làm kín tuần. Thậm chí, nửa ngày thứ 7 và cả ngày Chủ nhật chị nhận dọn đến 22h.
“Từ tháng 10, dù khó đến mấy mỗi tháng tôi cũng để ra tối thiểu 3 triệu đồng. Sát Tết có 1 khoản hơn chục triệu đồng để lo tiền tàu xe đi lại, mua quà bánh và biếu ông bà 2 bên”, chị Hoa bật mí.
Muôn kiểu tiết kiệm
Anh Phạm Xuân Phú (quê huyện Hà Trung, Thanh Hóa) đang làm công nhân của một cơ sở spa điện thoại. Công việc hằng ngày của anh và 7 đồng nghiệp là nhận các loại điện thoại đời mới, bị xước màn hình, cong vênh… để “tút tát” lại.
Anh Phú đang nhận lương 10 triệu đồng/tháng, được chủ bao ăn, ở. Cả nhóm thợ của anh làm việc tại quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh). Theo anh Phú, chủ cơ sở đã thông tin về món thưởng Tết Nguyên đán 2025. “Thấp nhất là 1 tháng lương 13, cao nhất là 3 tháng”, anh Phú nói.
Anh Phú cho hay, ngoài thưởng Tết, chủ cơ sở bao tiền đi về cho cả nhóm thợ dịp Tết. Như vậy, tiền lương và thưởng gần như anh gửi toàn bộ về nhà cho vợ con. “Trên thực tế, lương cứng 10 triệu đồng mỗi tháng tôi chỉ giữ lại tối đa 2 triệu đồng chi tiêu cá nhân, còn lại gửi về cho vợ con ở quê. Vài tháng gần Tết, tôi hạn chế chi tiêu trong 1 triệu đồng vì biết vợ còn nhiều khoản lo Tết. Riêng tiền thưởng Tết tôi dành dụm làm vốn, gần như không tiêu đến”, anh Phú cho biết.
Vợ chồng anh Nguyễn Thành Đô – nhân viên hành chính một công ty xuất nhập khẩu lại có cách tích lũy bằng hình thức tăng ca.
Theo anh Đô, vì mới cưới nên Tết năm nay vợ chồng anh sẽ chia đôi thời gian ăn Tết ở cả quê nội và quê ngoại. Đã dự trù khoản mừng tuổi cho họ hàng, con cháu hai bên khá tốn kém nên đôi vợ chồng trẻ quyết định đăng ký tăng ca.
Anh Đô cho hay: “Gần tết, hàng hóa xuất nhiều nên rất cần nhân sự tăng ca. Vợ chồng tôi đăng ký làm tối đa. Ở công ty được bao ăn nên tăng ca vừa có tiền làm thêm, vừa không tốn chi phí ăn uống bữa tối ở nhà. Năm ngoái, tôi đăng ký tăng ca 2 tháng cuối năm, thu nhập tăng thêm gần 15 triệu đồng. Năm nay 2 vợ chồng chịu khó “cày” sớm có thể kiếm được hơn 30 triệu đồng, chủ động hơn trong chi tiêu dịp Tết”.
https://laodong.vn/cong-doan/cong-nhan-lao-dong-de-danh-ca-quy-de-co-tien-tieu-tet-1433281.ldo