Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII: Xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách
Sáng 25.9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội) diễn ra phiên trọng thể Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Tới dự Đại hội có đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Phạm Minh Chính, uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Trương Thị Mai, uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận trung ương.
Đại hội còn được tiếp đón các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng khóa XI, các đồng chí Phó Chủ tịch Nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí lão thành cách mạng, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, và các đoàn thể Trung ương; các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đại diện lãnh đạo một số Tập đoàn, tổng công ty, đơn vị phối hợp đã tới dự Đại hội.
Về phía Tổng LĐLĐVN, cóđồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa XIcác đồng chí nguyên Phó Chủ tịch, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Ban Thư ký qua các thời kỳ, các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ủy ban kiểm tra Tổng LĐLĐVN khóa XI.
Đại hội còn đón các đoàn đại biểu, các tổ chức công đoàn khu vực và quốc tế, các tổ chức quốc tế tham dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII:
Đoàn đại biểu Liên hiệp Công đoàn thế giới; Tổng Công đoàn Quốc tế; Công đoàn ASEAN; Công đoàn Công nghiệp và Sản xuất toàn cầu; Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam; Viện Friedrich-Ebert-Stiftung tại Việt Nam và Tổ chức Nhân dân vì Y tế, Giáo dục và hỗ trợ hải ngoại Úc tại Việt Nam.
Trình bày báo cáo tóm tắt của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI trình Đại hội Công đoàn Việt Nam, Chủ tịch TLĐ Bùi Văn Cường cho biết, 5 năm qua, nhất là ở nửa cuối nhiệm kỳ, Công đoàn Việt Nam đã đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động, đạt nhiều kết quả và hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu do Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI đề ra.
Hoạt động chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động được tập trung đầu tư với nhận thức mới, tư duy mới, bước đầu tạo sự khác biệt giữa người lao động là đoàn viên công đoàn với người lao động chưa là đoàn viên công đoàn, tạo sự lan tỏa rộng và sức thu hút của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn, năm Vì lợi ích đoàn viên công đoàn lần đầu tiên được tổ chức, Tháng Công nhân, “Tết Sum vầy”, "Mái ấm Công đoàn” và nhiều hoạt động ý nghĩa khác được nâng tầm hiệu quả, đã góp phần thiết thực chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động. Việc tham mưu, đề xuất với Đảng và Chính phủ về Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và tổ chức đầu tư, xây dựng các thiết chế tại những địa phương có nhiều bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, giải trí của công nhân; tham gia cùng chính quyền các địa phương và doanh nghiệp giải quyết các nhu cầu thiết yếu về đời sống của người lao động là những việc làm thực sự thiết thực, hiệu quả, chăm lo thực chất hơn cho đoàn viên, người lao động.
Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động với 521 văn bản góp ý kiến, đề xuất; thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đại diện người lao động trong Hội đồng tiền lương quốc gia, góp phần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng trên 55%trong 5 năm qua. Công tác thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể có chuyển biến mới. Đến nay, toàn hệ thống đã ký kết được 27.866 bản thỏa ước lao động tập thể, tăng 5% so với đầu nhiệm kỳ.
Công đoàn chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tiến hành các cuộc đối thoại định kỳ và đột xuất. Trong 3 năm liên tiếp từ tháng 5/2016 đến 2018, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham mưu, đề xuất để Thủ tướng Chính phủ 3 lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động, góp phần giải quyết kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo hiệu ứng để lãnh đạo các địa phương, đơn vị gặp gỡ, đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất chính đáng của người lao động.
Hoạt động tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp công đoàn có chuyển biến tốt. Công tác tư vấn pháp luật được quan tâm thực hiện, nhiều nơi hoạt động hiệu quả. Việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động được các cấp công đoàn quan tâm thường xuyên, có nhiều đổi mới, góp phần giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.Công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và người sử dụng lao động tham gia giải quyết có hiệu quả các tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động tiếp tục tạo sức lan tỏa trong toàn hệ thống. Chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động” được duy trì, tham mưu đề xuất Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân, lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020”, đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người lao động về nâng cao năng lực nghề nghiệp. Công tác dư luận xã hội và việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người lao động được quan tâm. Việc khai thác thế mạnh của internet, mạng xã hội đề tuyên truyền, giáo dục, vận động người lao động bước đầu đạt hiệu quả.
Phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng có chuyển biến tích cực. Các cấp công đoàn đã cụ thể hóa phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; phong trào “Xanh- Sạch- Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, phong trào “văn hóa, thể thao”; động viên, cổ vũ đoàn viên, người lao động đăng ký hoàn thành 77.753 đề tài nghiên cứu khoa học với giá trị làm lợi là 336.777 tỷ đồng; phát huy 1.170.884 sáng kiến với giá trị làm lợi 203.579 tỷ đồng…, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Các hình thức tôn vinh, khen thưởng động viên người lao động có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất được các cấp công đoàn thực hiện với cách làm mới, thiết thực hiệu quả.
Công tác nữ công tiếp tục được quan tâm và có chuyển biến quan trọng. Quan tâm chỉ đạo hoạt động nữ công ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; động viên, phát huy vai trò của nữ công nhân, viên chức, lao động ở cơ quan, đơn vị cũng như trong gia đình. Thường xuyên quan tâm chăm lo lợi ích và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của lao động nữ.
Tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức thu hút, tập hợp người lao động tham gia tổ chức Công đoàn;triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển,nâng cao chất lượng và quản lý đoàn viên. Triển khai phần mềm quản lý đoàn viên, tiến hành đổi thẻ đoàn viên, tích hợp thẻ đoàn viên có chức năng sử dụng ATM, gắn mã ID và mã Vpoint để hưởng các ưu đãi giảm giá theo Chương trình Phúc lợi đoàn viên đã làm cho công tác đoàn viên được tốt hơn, thiết thực, hiệu quả và hấp dẫn hơn với người lao động. Tính đến ngày 30/11/2017, cả nước có 10,05 triệu đoàn viên, tăng 2,1 triệu so với đầu nhiệm kỳ, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.
Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, chú trọng cán bộ công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đã có kết quả bước đầu tích cực. Công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức cơ quan tham mưu, giúp việc công đoàn các cấp được triển khai từng bước theo hướng tinh gọn, tăng cường hoạt động hướng về cơ sở, đạt một số kết quả quan trọng.
Công tác tài chính công đoàn có sự chuyển biến mới về tư duy, căn bản, toàn diện,theo hướng công khai, minh bạchvà hiệu quả.Thu tài chính công đoàntăng đều qua các năm và đột biến ở năm 2017, 2018; triển khai biện pháp thu kinh phí công đoàn khu vực sản xuất kinh doanh qua một tài khoản. Đổi mới phương pháp giao dự toán cho sát với tình hình thực tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đại hội nghiêm túc kiểm điểm những hạn chế, yếu kém. Đó làchất lượng hoạt động công đoàn chưa đồng đều, ở một số lĩnh vực, cơ quan, đơn vị; hiệu quả hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động chưa cao. Phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh còn một số hạn chế; mô hình tổ chức, nhiệm vụ của từng cấp công đoàn còn tình trạng chồng chéo, dồn áp lực về cơ sở. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, người lao động chưa theo kịp tình hình; việc tổ chức phong trào thi đua ở một số nơi còn hình thức, kém hiệu quả…Những hạn chế, khuyết điểm trên có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, song nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Trong phiên buổi sáng, Phó Chủ tịch TLĐ Mai Đức Chính đã trình bày Báo cáo tổng hợp kiến nghị của công nhân viên chức lao động cả nước đối với Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Phát biểu tại Đại hội,Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng, trân trọng biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động của các cấp công đoàn trong cả nước.
Đồng chí nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới giai cấp công nhân và người lao động. Trong tiến trình lịch sử, giai cấp công nhân luôn là lực lượng tiên phong của cách mạng Việt Nam, luôn đứng ở trung tâm các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, kế thừa và làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của dân tộc. Đặc biệt là, sau hơn 30 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành, nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, chúng ta tiếp tục kiên định quan điểm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vì vậy, việc xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và toàn xã hội, trong đó tổ chức công đoàn có vai trò, trách nhiệm to lớn.