Hoạt động Công đoàn nhiệm kỳ 2018-2023: Tất cả vì người lao động
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII đã thành công tốt đẹp. Đại hội “Đổi mới – Dân chủ - Đoàn kết – Trách nhiệm” và thể hiện đậm nét tư duy của giai cấp công nhân Việt Nam chuyển mình sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các cấp công đoàn cần thống nhất nhận thức rằng: "Ngày nay, thước đo lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của công nhân, người lao động chính là không ngừng nâng cao trình độ, ý thức, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động… để thích ứng với điều kiện lao động trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần tư".
Giai cấp công nhân hiện nay vẫn là giai cấp lao động nặng nhọc nhất, nhưng có thu nhập thấp nhất, đời sống cũng đứng vào hàng khó khăn nhất. Nhiều công nhân trẻ không dám lập gia đình, có gia đình rồi lại chưa dám có con ngay, khi có con rồi thì vất vả để lo từ chỗ gửi trẻ, nhà mẫu giáo, tới trường học. Bữa ăn ca, nhà ở, thu nhập không có khả năng tích lũy, không thể tiết kiệm của công nhân… không chỉ là trăn trở của các cấp công đoàn mà của toàn xã hội. Thực tế này không thể thay đổi trong ngày một ngày hai, nhưng nhất định phải thay đổi, nhất là khi đất nước ta trở thành một đất nước công nghiệp.
Nhiệm kỳ vừa qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Về tổng thể, khu vực doanh nghiệp nhà nước, hoạt động công đoàn có bài bản hơn, nhưng vẫn còn tình trạng nợ bảo hiểm, nợ lương người lao động. Trong số hơn 640.000 doanh nghiệp, có nơi vẫn còn vùng “trắng” không có tổ chức công đoàn hoạt động hiệu quả.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu các cấp công đoàn thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động, coi đây là điểm then chốt. Cùng với đó, cần đẩy mạnh chương trình phúc lợi, nhất là các vấn đề về việc làm, nhà ở, nhà trẻ, giá điện, nước, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
Phải xuống từng khu công nghiệp, đến từng doanh nghiệp; phải gặp gỡ, lắng nghe để thấy, để hiểu người lao động đang cần gì, mong gì, muốn gì? Những khiếu kiện chính đáng của người lao động đã được xử lý kịp thời chưa? Chuyện doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm, thậm chí chủ doanh nghiệp bỏ trốn thì vai trò của công đoàn thế nào? Còn bao nhiêu doanh nghiệp “trắng” tổ chức công đoàn?”
Trước đó, lần đầu tiên một cuộc đối thoại dân chủ, thẳng thắn, thiết thực giữa người đứng đấu Chính phủ với gần 1000 đại biểu – hoạt động được coi là dấu ấn đặc biệt của Đại hội. Hai Nghị quyết về tiền lương và bảo hiểm xã hội theo đó tiền lương tối thiểu sẽ được trả theo giờ và bảo hiểm xã hội tiến tới bảo hiểm đa tầng, bao phủ toàn dân là hai trong nhiều ví dụ chứng minh cho thông điệp “Chính Phủ sẽ nỗ lực hành động vì dân”.
Thí điểm mô hình tổ chức công đoàn trong các tập đoàn kinh tế tư nhân, tổng công ty nhà nước thoái vốn, các doanh nghiệp có cùng chủ sử dụng lao động, không để những “vùng trắng” không có tổ chức công đoàn hoạt động hiệu quả trong bất cứ mô hình doanh nghiệp nào. Cán bộ công đoàn lặn lội tới từng phân xưởng sản xuất, tới từng bữa ăn giữa ca, tới từng căn nhà trọ của công nhân, gặp gỡ và lắng nghe nguyện vọng, bức xúc, góp ý của họ, tìm mọi biện pháp có thể trong khuôn khổ pháp luật để bảo vệ quyền lao động hợp pháp, quyền sống được Hiến pháp bảo vệ của công nhân. Tất cả vì người lao động! Đó là hình ảnh chủ đạo cho tổ chức Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023.
Ngọc Tú (tổng hợp báo chí đưa tin)