Bệnh viện công trước thách thức giữ chân nhân tài
Những năm gần đây, nhiều bác sĩ giỏi rời bệnh viện công, gây ra tình trạng thiếu hụt nhân lực và tạo áp lực lớn lên chất lượng khám chữa bệnh.
Bệnh viện Bạch Mai nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và môi trường làm việc chuyên nghiệp để thu hút nhân tài. Ảnh: Thế Anh
Bệnh viện công loay hoay giữ chân bác sĩ giỏi
"Lương quá thấp, làm sao trang trải cuộc sống mà không nghỉ việc? Phải ra ngoài làm, kiếm sống. Không chỉ lo bản thân, còn cả gia đình, con cái. Với mức lương đó, không thể đủ chi phí sinh hoạt" - bác sĩ Minh Hà (tên đã thay đổi), hiện làm việc tại một bệnh viện tư có tiếng ở Hà Nội, chia sẻ.
Sau gần một thập kỷ gắn bó với bệnh viện đa khoa tuyến huyện tại Hà Nội, ba năm trước, anh Hà quyết định nghỉ việc để tìm nơi có thu nhập tốt hơn, đủ trả nợ và lo cho gia đình.
Gia đình phản đối việc anh nghỉ, bởi "Người ta muốn xin vào không được, mình lại tự xin ra?". Nhưng khi mức lương chỉ khoảng 8 triệu đồng/tháng, bảo hiểm tính theo mức 3,9 triệu đồng, anh không thể tiếp tục chật vật mãi. Sang bệnh viện tư, thu nhập tăng gấp 5 lần, dù làm xa nhà. "Công việc vất vả như nhau, nhưng thu nhập thay đổi hoàn toàn cuộc sống", bác sĩ Hà cho hay.
Theo báo cáo của Bộ Y tế về số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc từ ngày 1.1.2021 - 30.6.2022 trên cả nước cho thấy có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc (gồm 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác). Đây có thể nói là thời điểm "khủng hoảng" về nhân lực y tế.
Vào khoảng thời gian từ tháng 2.2020 đến tháng 3.2021, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 221 cán bộ và nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Đặc biệt, có 28 bác sĩ, trong đó có 1 phó giáo sư và 7 tiến sĩ, đã chuyển sang các cơ sở y tế khác với mức thu nhập cao hơn.
Bà Đoàn Thu Trà - Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai - nhớ lại: Có người chỉ thu nhập 5 triệu đồng/tháng, nhiều điều dưỡng phải bán hàng online để trang trải. Y bác sĩ làm việc từ 5-6 giờ sáng, trực đêm thù lao chỉ 115.000 đồng, đối mặt với áp lực chăm sóc bệnh nhân lẫn nguy cơ bạo hành từ người nhà. Nhiều người làm việc 24/24h, sáng hôm sau vẫn tiếp tục đi chỉ đạo tuyến.
Thời điểm đó, Bộ Y tế chỉ ra 4 nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng nhân viên y tế rời bỏ bệnh viện công: Áp lực công việc cao, làm việc cường độ lớn, không có ngày nghỉ; thu nhập thấp, lương và phụ cấp không đủ đáp ứng nhu cầu sống, trong khi khu vực tư nhân trả cao hơn gấp nhiều lần; thiếu cơ sở vật chất; áp lực xã hội, gia đình.
Tại TPHCM, theo TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện chuyên ngành Sản phụ khoa, hạng I, nhưng thu nhập của bác sĩ, nhân viên y tế chưa tương xứng với công sức. Vì vậy, có sự dịch chuyển bác sĩ, nhân viên y tế từ hệ thống công lập sang hệ thống tư nhân.
Đây là bài toán khó đối với bệnh viện, bởi khi đơn vị đào tạo được bác sĩ, nhân viên y tế có đủ năng lực, thì lại có tình trạng nhiều trường hợp chuyển sang hệ thống tư nhân. Lúc này, bệnh viện lại phải đào tạo lại một nhóm mới.
Bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, y bác sĩ bệnh viện công làm việc 8-10 giờ/ngày, trực 24 tiếng cuối tuần, ngày lễ nhưng không có nghỉ bù hay tính công làm thêm. Tiền trực chỉ 115.000 đồng, thu nhập chủ yếu là lương cơ bản. Cơ sở hạ tầng xuống cấp, khoa phòng chật hẹp, thiết bị lạc hậu gây nhiều khó khăn trong chẩn đoán và điều trị.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - cho rằng, nhân viên y tế đang rời bỏ bệnh viện không hẳn là "chảy máu chất xám", vì họ vẫn phục vụ trong hệ thống y tế, nhưng sự xáo trộn quá nhanh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân chưa tiếp cận được y tế tư nhân. "Không khó hiểu khi nhiều bác sĩ rời bệnh viện công. Thu nhập giảm, điều kiện làm việc thiếu thốn, cùng áp lực từ hệ thống hành chính cồng kềnh buộc họ phải lựa chọn. Những người ở lại chủ yếu thuộc hai nhóm: Những bác sĩ tâm huyết, có chuyên ngành thuận lợi và thu nhập tạm ổn; hoặc bác sĩ trẻ chưa đủ kinh nghiệm và bằng cấp để tìm cơ hội trong hệ thống tư nhân", PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhận định.
Bệnh viện Bạch Mai nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và môi trường làm việc chuyên nghiệp để thu hút nhân tài. Ảnh: Thế Anh
Ưu tiên tuyển dụng đội ngũ nhân lực chất lượng cao
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ngay cả trong cùng khoảng thời gian nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc thì tại Bệnh viện Bạch Mai đã tuyển dụng thêm 506 nhân sự mới, bao gồm 5 giáo sư/phó giáo sư, 4 tiến sĩ và 98 bác sĩ nội trú, nhằm đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh và duy trì hoạt động ổn định của bệnh viện. Mặc dù đối mặt với khó khăn tài chính, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai vẫn ưu tiên tuyển dụng đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao, như bác sĩ nội trú và cử nhân hệ tiên tiến, nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân.
Những nỗ lực này nhằm thực hiện cam kết của Bệnh viện Bạch Mai trong việc duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đồng thời tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp để thu hút và giữ chân các chuyên gia y tế hàng đầu.
Với vai trò là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết, đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn và thu hút nhân tài. Chẳng hạn, bệnh viện đã tổ chức các hội thảo chuyên môn, thu hút sự tham gia của hàng trăm bác sĩ và điều dưỡng, nhằm cập nhật kiến thức và kỹ thuật mới trong y khoa.
https://laodong.vn/xa-hoi/benh-vien-cong-truoc-thach-thuc-giu-chan-nhan-tai-1466690.ldo
LỆ HÀ - THANH CHÂN (BÁO LAO ĐỘNG)