Nhiều lĩnh vực triển vọng thúc đẩy làn sóng M&A năm 2025
Hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập) tại Việt Nam năm 2025 được kỳ vọng khởi sắc, đặc biệt sôi động trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Tiếp đến, công nghệ, năng lượng tái tạo và tài chính cũng có tiềm năng lớn.
Dòng vốn M&A được dự báo sẽ đổ mạnh vào y tế và giáo dục trong năm 2025. Ảnh: Lục Giang
Y tế và giáo dục là điểm sáng
Lĩnh vực y tế đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nhờ nhu cầu ngày càng cao đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng. Báo cáo "Xu hướng M&A Toàn cầu của PwC: Triển vọng năm 2025", các bệnh viện tư nhân và cơ sở y tế chuyên khoa như nhãn khoa, ung thư sẽ là tâm điểm của các thương vụ M&A trong năm 2025.
Các công ty dược phẩm và khoa học đời sống đang tập trung vào công nghệ sinh học nhằm tối ưu danh mục đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh. Xu hướng này thúc đẩy làn sóng M&A mạnh mẽ, đặc biệt trong các thương vụ thoái vốn và hợp nhất doanh nghiệp.
Giáo dục cũng là lĩnh vực có sức hút lớn nhờ chính sách mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Việc không hạn chế vốn ngoại vào các cơ sở giáo dục giúp các thương vụ M&A trong ngành diễn ra sôi động.
Theo PwC, khoảng 50-70% danh mục đầu tư vào giáo dục trên toàn cầu đến từ các quỹ đầu tư tư nhân. Công nghệ giáo dục (EdTech), đặc biệt trong mảng số hóa giáo dục phổ thông và đại học, đang thu hút dòng vốn lớn.
Công nghệ tiếp tục là lĩnh vực hấp dẫn với những thương vụ lớn trong trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và an ninh mạng. Trong 5 năm tới, đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số có thể đạt 2.000 tỉ USD, trong đó trọng tâm là các trung tâm dữ liệu và hệ thống hỗ trợ AI.
Tài chính - ngân hàng cũng ghi nhận nhiều thương vụ giá trị lớn khi các tổ chức đẩy mạnh số hóa dịch vụ và mở rộng thị phần. Lĩnh vực năng lượng tái tạo đang thu hút sự quan tâm khi nhiều doanh nghiệp gia tăng đầu tư để đón đầu xu hướng chuyển đổi năng lượng sạch.
Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Tập đoàn BCG - cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài khi mới đến Việt Nam thường e ngại do chưa hiểu rõ doanh nghiệp và văn hóa địa phương.
“BCG đang kỳ vọng Chính phủ sẽ có những chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong việc triển khai dự án năng lượng tái tạo, nhằm nâng cao vị thế đối với doanh nghiệp để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, BCG rất quan tâm đến việc thu hút nguồn vốn ngoại trong việc triển khai các dự án trong lĩnh vực này” - ông Phạm Minh Tuấn chia sẻ.
Thách thức và cơ hội của thị trường M&A 2025
Mặc dù triển vọng tích cực, thị trường M&A vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Theo chuyên gia của PwC, các yếu tố địa chính trị, đặc biệt là "hiệu ứng Trump" và những thay đổi chính sách tại Mỹ, có thể gây ảnh hưởng đến dòng vốn quốc tế. Những điều chỉnh về thuế quan, nhập cư và bãi bỏ quy định có thể làm thay đổi chiến lược đầu tư của các tập đoàn toàn cầu.
Lãi suất dài hạn đang có xu hướng tăng trở lại sau đợt cắt giảm vào cuối năm 2024, tạo ra sự không chắc chắn trong việc định giá doanh nghiệp và khả năng huy động vốn.
Ông Ong Tiong Hooi, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn thương vụ, PwC Việt Nam nhận định: “Bước vào năm 2025, hoạt động M&A toàn cầu đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi những tín hiệu cải thiện của nền kinh tế và các thương vụ mua bán chiến lược. Xu hướng này cũng được phản ánh tại Việt Nam, nơi chúng tôi chứng kiến sự gia tăng hoạt động thương vụ trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Các doanh nghiệp nội địa đang thể hiện vai trò chủ động, dẫn đầu trong các thương vụ giá trị cao, trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm trở lại tới thị trường, đặc biệt tập trung vào hai lĩnh vực tiềm năng là y tế và giáo dục”.
Với sự hỗ trợ từ chính sách kinh tế và nhu cầu mở rộng hoạt động của doanh nghiệp, năm 2025 được kỳ vọng sẽ tiếp tục là một năm sôi động của thị trường M&A. Tuy nhiên, để tối ưu hóa cơ hội, các nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ diễn biến địa chính trị, lãi suất và chiến lược định giá trong một thị trường cạnh tranh.
https://laodong.vn/kinh-doanh/nhieu-linh-vuc-trien-vong-thuc-day-lan-song-ma-nam-2025-1466742.ldo
LỤC GIANG (BÁO LAO ĐỘNG)