Thời sự
Cập nhật lúc 12:18 27/12/2024 (GMT+7)
Tọa đàm “Đa dạng hóa nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát”

Vào 14h ngày 27.12, Báo Lao Động phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức tọa đàm “Đa dạng hóa nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát”.

Tọa đàm “Đa dạng hóa nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát”
Tọa đàm “Đa dạng hóa nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát”. Ảnh: Đức Dũng.

Nhà ở là một nhu cầu cơ bản và thiết yếu của mỗi con người, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cuộc sống ổn định và là nền tảng để phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước.

Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc chăm lo, giải quyết vấn đề nhà ở cho nhân dân. Đây là một trong những trọng tâm về chính sách an sinh xã hội và chiến lược giảm nghèo bền vững. Chính sách này không chỉ góp phần cải thiện chất lượng sống của người dân mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa và xã hội.

Ngày 5.10.2024, tại Hà Nội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi”.

Đến ngày 9.11.2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 42/CT-TTg về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước.

Theo đó, trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở, nhất là nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Các chính sách trên đã giúp cho khoảng 340.000 hộ có công với cách mạng và trên 800.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở có chỗ ở ổn định, an toàn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đạt được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự tham gia tích cực, rộng rãi của các tổ chức, cộng đồng dân cư và nhân dân.

Tuy nhiên, đến nay cả nước còn khoảng 315.000 hộ có khó khăn về nhà ở (bao gồm các đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo,…) cần được hỗ trợ để cải thiện nhà ở đảm bảo an toàn, ổn định để "an cư, lạc nghiệp", yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Để có thêm nhiều nguồn lực và làm tốt công tác này, từ thực tế hiệu quả công tác hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát thời gian qua, Tọa đàm sẽ tập trung đưa ra các giải pháp để đa dạng hóa, tạo thêm các nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong thời gian tới.

Qua đó, chính quyền địa phương các cấp có vai trò quyết định sự thành công của Chương trình, trong đó lưu ý phát huy vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc rà soát, xác định đối tượng hỗ trợ, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể để bảo đảm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025.

Đồng thời phải đa dạng hóa nguồn lực theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm. Trung ương dành nguồn vốn ngân sách nhà nước theo các chương trình, đề án hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Các bộ, ngành, địa phương bố trí, phân bổ đủ vốn cho các chương trình theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ với tinh thần: "ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít".

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các Chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định, không để trùng lắp đối tượng, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí.

https://laodong.vn/xa-hoi/toa-dam-da-dang-hoa-nguon-luc-de-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-1441221.ldo

Cao Nguyên (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: