Nhiều ý kiến cán bộ công đoàn đề nghị cần tăng trách nhiệm xã hội của các nhãn hàng với lao động ngành dệt may. Ảnh: Nam Dương
Có khoảng 3 triệu lao động ngành dệt may
Ông Nguyễn Vinh Quang - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN - cho biết, theo số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng, tính đến năm 2024, Việt Nam có khoảng 7.000 doanh nghiệp dệt may với khoảng 3 triệu lao động, trong đó khoảng 74% lao động là nữ và 90% lao động làm việc trong ngành may. Sản phẩm dệt may của Việt Nam đã xuất khẩu đến khoảng 180 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hiện cả nước có 735 doanh nghiệp dệt may đã thành lập CĐCS, trong đó, có 95,4% doanh nghiệp đã xây dựng thang lương, bảng lương, thu nhập bình quân chung của NLĐ ở những doanh nghiệp này là 10,4 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn thu nhập bình quân chung của cả nước. Trong khi đó, điều kiện làm việc của ngành dệt may phải đối mặt với một số vấn đề như nồng độ bụi, ánh sáng, độ ồn, môi trường nóng ẩm, tăng ca, kéo dài thời gian làm việc với cường độ cao.
Theo ông Quang, Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã đề ra 3 khâu đột phá, trong đó có “Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động”. Do đó, đánh giá thực trạng tiền lương, thu nhập doanh nghiệp trả cho NLĐ sẽ giúp nâng cao vai trò của các cấp CĐ trong tham gia xây dựng, sửa đổi, thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách tiền lương, thu nhập của doanh nghiệp.
Cần tính toán đến chuyển dịch lao động
Góp ý cho báo cáo, nhiều cán bộ CĐ cho rằng, số liệu thống kê của các cơ quan chức năng về tiền lương bình quân của NLĐ ngành dệt may là cao hơn so với thực tế. Chủ tịch CĐCS một doanh nghiệp may ở quận 12, TPHCM có 2.500 lao động, cho biết, tiền lương cơ bản cộng với các loại phụ cấp của NLĐ chỉ khoảng 7- 8 triệu đồng/tháng; bữa ăn ca hiện là 18.000 đồng/người/suất. Tiền lương ghi “cứng” trong HĐLĐ, với CN là tiền lương tối thiểu vùng, tổ trưởng 7 triệu đồng, quản lý 10 triệu đồng. CĐCS đã thương lượng với doanh nghiệp để tăng lương cho NLĐ hằng năm nhưng chủ doanh nghiệp không đồng ý mà chỉ đồng ý tăng lương tối thiểu vùng theo quy định của Nhà nước.
Nhiều cán bộ CĐ phân tích, ngành may tại Việt Nam chủ yếu là gia công, nên phụ thuộc rất lớn vào đơn giá từ các nhãn hàng. Trong khi đó, các nhãn hàng ít tăng giá, nên doanh nghiệp không có tiền để tăng lương cho NLĐ.
Ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TPHCM - cho rằng, các cơ quan chức năng cần có tác động với nhãn hàng để tăng trách nhiệm xã hội của các nhãn hàng, qua đó tác động đến các doanh nghiệp gia công tăng lương, phúc lợi cho NLĐ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Văn Đại - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng - cho biết, thực tế cho thấy CĐCS rất khó thương lượng để tăng lương, phúc lợi cho NLĐ vì nhiều giám đốc doanh nghiệp cũng là người làm thuê, không quyết định được mà phụ thuộc giới chủ ở nước ngoài và đơn giá gia công mà nhãn hàng giao.
Ông Đại cũng cho hay, hiện Đà Nẵng không còn chủ trương thu hút đầu tư ngành dệt may, tập trung thu hút ngành nghề mang lại giá trị cao hơn, do đó lao động ngành dệt may có xu hướng giảm. Nhiều cán bộ CĐ cũng đề nghị báo cáo cần phân tích sâu thêm về tình trạng dịch chuyển lao động.
Ông Nguyễn Trung Ngạn - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho rằng, báo cáo cần phải khuyến nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về tiền lương, trong đó phải ghi rõ tiền lương đối với lao động đã qua đào tạo, tiền lương nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm với NLĐ làm trong doanh nghiệp dệt may. “Hiện nhiều doanh nghiệp chỉ trả lương cho NLĐ ngành may theo lương tối thiểu vùng mà chưa trả lương tăng thêm cho lao động đã qua đào tạo và chưa trả lương ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm làm trong doanh nghiệp” - ông Ngạn nói.
https://laodong.vn/cong-doan/cong-doan-de-xuat-tang-luong-va-phuc-loi-nganh-det-may-1466730.ldo