Các cán bộ công đoàn tham gia hội nghị “Lấy ý kiến báo cáo về hệ thống tiền lương trong doanh nghiệp dệt may và khuyến nghị nội dung đối thoại, thương lượng tập thể về tiền lương trong ngành dệt may tại Việt Nam năm 2025”. Ảnh: Nam Dương
Gần 50 cán bộ công đoàn (CĐ) ở các tỉnh, thành phía Nam đã tham gia hội nghị “Lấy ý kiến báo cáo về hệ thống tiền lương trong doanh nghiệp dệt may và khuyến nghị nội dung đối thoại, thương lượng tập thể về tiền lương trong ngành dệt may tại Việt Nam năm 2025” do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức tại TPHCM ngày 21.2.
Ông Nguyễn Vinh Quang - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết, dệt may là ngành công nghiệp lớn thứ năm trong cơ cấu giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp Việt Nam.
Tính đến năm 2024, Việt Nam có khoảng 7.000 doanh nghiệp dệt may với khoảng 3 triệu lao động (trong đó khoảng 74% lao động là nữ và 90% lao động làm việc trong ngành may), các sản phẩm dệt may của Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hiện có 735 doanh nghiệp dệt may đã thành lập CĐCS với tổng số hơn 491.000 lao động, chiếm khoảng 16,4% tổng số lao động trong toàn ngành (lao động trực tiếp sản xuất chiếm 82,44%), lao động là nữ chiếm 83,41%.
Theo ông Quang, Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã đề ra 3 khâu đột phá, trong đó có “Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động”.
Do đó, đánh giá thực trạng tiền lương, thu nhập mà doanh nghiệp trả cho người lao động (NLĐ) sẽ giúp nâng cao vai trò của các cấp CĐ trong tham gia xây dựng, sửa đổi, thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách tiền lương, thu nhập của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Đô (người đứng) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nam Dương
Ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TPHCM - cho biết báo cáo cần quan tâm đánh giá về lực lượng lao động ngành dệt may trong bối cảnh mức sinh thay thế đang giảm. Nhà nước cần quan tâm đến ngành công nghiệp, nguồn liệu phụ trợ; xem xét năng lực tài chính của doanh nghiệp khi mới thành lập vì hiện nay nhiều doanh nghiệp nhỏ vi phạm pháp luật, nợ lương, BHXH, BHYT của NLĐ, gây tranh chấp trong quan hệ lao động.
Ông Nguyễn Trung Ngạn - Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho rằng, báo cáo cần phải khuyến nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về tiền lương, trong đó phải ghi rõ tiền lương đối với lao động đã qua đào tạo, tiền lương nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm với NLĐ làm trong doanh nghiệp dệt may.
“Hiện nhiều doanh nghiệp chỉ trả lương cho NLĐ ngành may theo lương tối thiểu vùng mà chưa trả lương cho lao động đã qua đào tạo và chưa trả lương ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm làm trong doanh nghiệp”, ông Ngạn nói.
Nhiều ý kiến đề nghị báo cáo cần quan tâm đến lực lượng lao động ngành dệt may, vì xu thế hiện nay nhiều địa phương hạn chế thu hút đầu tư ngành dệt may để dành nguồn lực cho ngành, nghề khác có giá trị cao hơn, ít ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
https://laodong.vn/cong-doan/lay-y-kien-ve-tien-luong-trong-doanh-nghiep-nganh-det-may-1466427.ldo