Công ty Cổ phần Dệt may Huế cần tuyền khoảng 200 vị trí việc làm. Ảnh: Tiến Hậu
Tại “Tháng Giao dịch việc làm đầu năm 2025”, do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Huế tổ chức, một số công ty ngành may mặc đóng trên địa bàn TP Huế như Scavi Huế, MSV, Sơn Hà Huế, AMP Việt Nam - Phong Điền, Phú Hòa An đã tham gia phỏng vấn tuyển dụng lao động ở nhiều vị trí.
Kế hoạch tuyển dụng lao động trong 6 tháng đầu năm 2025 của các doanh nghiệp ước tính khoảng 6.000 người ở nhiều ngành nghề. Riêng lao động ngành may mặc chiếm hơn 50% tổng nhu cầu tuyển dụng. Công ty Scavi Huế đang cần tuyển hơn 1.500 công nhân may; Công ty AMP Việt Nam - Phong Điền có nhu cầu tuyển khoảng 300 công nhân may.
Nhiều doanh nghiệp dệt may, may mặc xuất khẩu như Công ty CP Dệt may Huế, Sơn Hà Huế (KCN Phú Đa), MSV (KCN Phú Bài), Kanglongda (KCN Phong Điền), Phú Hòa An (KCN Phú Bài) cũng đang tuyển hơn 1.000 lao động ở các vị trí khác nhau. Tuy nhiên, qua khảo sát trong ngày đầu tiên của Tháng Giao dịch Việc làm, hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa có lao động nào đăng ký nộp hồ sơ ứng tuyển.
Hiện nay, nguồn nhân lực tại địa phương đang bão hòa, số lao động không có sự gia tăng đáng kể dù đã tính đến lao động di cư trở về. Trong khi đó, nhiều nhà máy may mặc liên tục được mở rộng quy mô sản xuất, khiến bài toán tìm kiếm và tuyển dụng lao động ngày càng trở nên khó khăn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm nhân lực trong ngành may mặc một phần do khâu tạo nguồn, định hướng nghề nghiệp và quy mô đào tạo chuyên ngành còn hạn chế. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn chưa được trang bị đầy đủ thiết bị giảng dạy và giảng viên chuyên môn để đào tạo ngành may.
Vấn đề này đã được nhiều chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp phân tích, đồng thời đề xuất giải pháp tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế của ngành may mặc.
Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai gần, các trường nghề và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ trong xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo. Đồng thời, cần đánh giá năng lực người học, hỗ trợ trang thiết bị đào tạo chuyên ngành, cũng như tổ chức cho giảng viên và sinh viên tham gia thực tế, thực tập tại doanh nghiệp.
Việc tăng cường mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn góp phần giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực trong ngành may mặc, đảm bảo nguồn lao động đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường.
https://laodong.vn/cong-doan/thieu-lao-dong-doanh-nghiep-may-hue-loay-hoay-tuyen-dung-1466644.ldo