Thời sự
Cập nhật lúc 11:22 20/02/2025 (GMT+7)
Giáo dục 24h: Bỏ xét tuyển sớm, công bằng trong tuyển sinh

Bỏ xét tuyển sớm đảm bảo tính công bằng trong tuyển sinh, sĩ tử cuối cấp đổi phương án ôn tập; Giáo viên tìm hướng dạy thêm;...

Sĩ tử lớp 12 phải đổi kế hoạch ôn tập do bỏ xét tuyển sớm  

Nhiều sĩ tử lớp 12 phải thay đổi kế hoạch, dự định ôn tập trước thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bỏ xét tuyển sớm từ năm 2025. Video: Trang Hà

Bỏ xét tuyển sớm sẽ công bằng hơn trong tuyển sinh

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) sẽ bỏ hình thức xét tuyển sớm trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2025 nhằm đảm bảo công bằng. Thay vì giới hạn chỉ tiêu 20% như dự thảo trước, quy chế mới yêu cầu tất cả thí sinh phải nhập lại nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển chung và chỉ được trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất. Việc bỏ xét tuyển sớm giúp giảm lãng phí thời gian, tài chính cho thí sinh và các trường.

Năm 2025, Bộ GDĐT sẽ bỏ hình thức xét tuyển sớm. Ảnh: Chân Phúc
Năm 2025, Bộ GDĐT sẽ bỏ hình thức xét tuyển sớm. Ảnh: Chân Phúc

Theo PGS.TS Trần Thiên Phúc (Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TPHCM), xét tuyển sớm có thể khiến thí sinh chủ quan, không tập trung học, đồng thời đẩy điểm chuẩn phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp lên cao, gây bất lợi cho thí sinh không tham gia xét tuyển sớm.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc bỏ xét tuyển sớm có thể gây tâm lý lo lắng cho thí sinh vì trước đây, những em trúng tuyển sớm sẽ yên tâm hơn khi thi tốt nghiệp THPT. Dù vậy, các trường đại học khẳng định thay đổi này không ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyển sinh, vì trước đây dù xét tuyển sớm, họ vẫn phải chờ kết quả cuối cùng từ Bộ GDĐT. Xem thêm...

Giáo viên tìm hướng dạy thêm sau khi Thông tư 29 có hiệu lực

Thông tư 29 của Bộ GDĐT có hiệu lực từ ngày 14.2, yêu cầu giáo viên dạy thêm ngoài trường phải thực hiện tại các cơ sở có đăng ký kinh doanh. Điều này khiến nhiều giáo viên phải tạm dừng lớp học hoặc chuyển sang dạy miễn phí trong khi chờ hoàn tất thủ tục. Một số giáo viên như anh Phạm Hậu (Ngữ văn) và anh Kim Ngọc (Ngữ văn) vẫn tiếp tục dạy nhưng cam kết không thu tiền với học sinh chính khóa.

Thông tư 29 của Bộ GDĐT quy định về dạy thêm, học thêm đã chính thức có hiệu lực từ ngày 14.2. Ảnh: Chân Phúc
Thông tư 29 của Bộ GDĐT quy định về dạy thêm, học thêm đã chính thức có hiệu lực từ ngày 14.2. Ảnh: Chân Phúc

Dù gặp khó khăn trong giai đoạn chuyển đổi, nhiều giáo viên đồng tình với Thông tư 29 vì giúp việc dạy thêm minh bạch hơn, tránh áp lực học sinh phải học thêm ngoài ý muốn. Việc đăng ký kinh doanh được đánh giá là khá thuận lợi nhưng vẫn cần thời gian xử lý hồ sơ, khiến một số giáo viên lo lắng về tiến độ triển khai.

Theo ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GDĐT TPHCM, Thông tư 29 không cấm dạy thêm mà nhằm quản lý chặt chẽ, đảm bảo sự nghiêm túc trong giáo dục. Giáo viên dạy thêm bên ngoài phải tuân thủ quy định mà không có ngoại lệ, dù chỉ dạy kèm vài học sinh hay theo nhóm nhỏ.

Quảng Ninh chỉ đạo công tác quản lý dạy thêm, học thêm

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Công văn số 316/UBND-VHXH, trong đó yêu cầu các cấp quản lý giáo dục thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm giám sát giáo viên dạy thêm trong và ngoài nhà trường. Đồng thời, tỉnh tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm và khen thưởng cá nhân, tập thể tận tụy với học sinh.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo nghiên cứu phương án hỗ trợ kinh phí cho các trường theo chỉ đạo của Chính phủ để nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài ra, tỉnh yêu cầu hoàn thành công bố phương án tuyển sinh vào THCS, THPT trong tháng 2 năm 2025. Đồng thời, tỉnh cần hướng dẫn tiêu chí xét tuyển vào lớp 6 đối với các trường có số lượng đăng ký vượt chỉ tiêu. Xem thêm...  

https://laodong.vn/giao-duc/giao-duc-24h-bo-xet-tuyen-som-cong-bang-trong-tuyen-sinh-1465592.ldo

Thanh Bình (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: