Nhiều năm xa quê vẫn chưa mua được nhà
Tỉnh Bình Dương có khoảng 1,3 triệu lao động, phần đông công nhân thu nhập eo hẹp nên vẫn chưa thể mua đất xây nhà, an cư lập nghiệp.
Nguyên nhân chính là do những năm gần đây giá nhà đất tăng cao, việc làm và thu nhập của công nhân còn bấp bênh.
Anh Vi Văn Đông (42 tuổi, quê Nghệ An) làm công nhân gần 10 năm nhưng cuộc sống vẫn chưa ổn định. "Cả hai vợ chồng mình còn đi ở trọ. Thu nhập chỉ đủ trang trải, chưa thể mua đất xây nhà, kể cả nhà ở xã hội mình cũng chưa dám nghĩ đến. Chưa có nhà ở ổn định, nên vợ chồng mình cũng chưa quyết định là có gắn bó lâu bền được ở Bình Dương hay không" - anh Đông chia sẻ.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Hưng (quê Thái Bình) làm công nhân ở khu công nghiệp VSIP tại Bình Dương đã 10 năm, tới nay cũng chưa mua được nhà. "Thu nhập nếu có tăng ca cũng chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng, đủ trang trải cuộc sống, khó có tích lũy để mua được nhà. Tôi cũng mong có thêm nhiều dự án nhà ở xã hội. Với mức thu nhập của mình, theo tôi, giá nhà ở khoảng 600 triệu một căn thì tôi có thể tiếp cận mua nhà được" - anh Hưng bày tỏ.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, dự báo từ nay đến năm 2030, số người lao động (NLĐ) ở Bình Dương có nhu cầu mua nhà ở xã hội vào khoảng 129.212 căn.
Ổn định chỗ ở, NLĐ sẽ gắn bó với Bình Dương
Tại thành phố Tân Uyên, Công ty TNHH Poong In Vina đã có 19 năm hoạt động. Những công nhân gắn bó từ thời điểm đầu đến nay, nhiều người đã mua đất xây được nhà cửa, lập gia đình ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, gần đây, giá nhà đất cao nên công nhân mới khó tiếp cận hơn.
Ông Bùi Minh Hà - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty kiến nghị, Nhà nước xây dựng thêm dự án nhà ở xã hội tại Tân Uyên và tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận nguồn vốn vay để mua nhà.
"Khi công nhân ổn định chỗ ở thì họ sẽ yên tâm hơn. Từ đó, gắn bó với Bình Dương, gắn bó với nhà máy hơn; tham gia sản xuất, đóng góp cho sự phát triển của Bình Dương" - ông Bùi Minh Hà bày tỏ.
Tại thành phố Thủ Dầu Một, Công ty TNHH Nội thất Mê Kông có trên 1.000 lao động. Ông David Giraudet - Tổng Giám đốc Công ty cho biết, hầu hết người lao động làm việc ở công ty đều là lao động xa quê. Nhu cầu nhà ở xã hội, nhà trẻ đang là vấn đề được quan tâm và cần được hỗ trợ.
Trong dịp tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, ông David Giraudet kiến nghị: "Thực tế là việc tiếp cận thông tin và khả năng tài chính của người lao động để có được mái ấm an cư là vấn đề đáng được xem xét. Mong rằng, cơ quan chức năng, có nhiều chính sách thiết thực hơn nữa cho người lao động, hỗ trợ họ. Đây là vấn đề công ty chúng tôi mong đợi để người lao động có thể gắn bó với công ty lâu dài và xem Bình Dương là quê hương thứ hai của họ".
Xây dựng 20.000 căn trong năm 2025
Tại lễ tiễn công nhân về quê ăn Tết (ngày 25.1), ông Võ Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục vận động các nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng thêm nhiều khu nhà ở xã hội tại những khu vực đông công nhân.
Theo đề án được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt, giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh sẽ đầu tư khoảng 160.325 căn nhà ở xã hội. Năm 2024, tỉnh đã xây được 15.000 căn. Trong năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng 20.000 căn.
https://laodong.vn/cong-doan/mong-co-nhieu-nha-o-xa-hoi-tai-binh-duong-de-cong-nhan-an-cu-1444072.ldo