Chị Phạm Thị Hảo (47 tuổi) - công nhân Công ty TNHH Giầy Amara Việt Nam (Nam Định) - cho biết, lương tối thiểu vùng ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập hàng tháng cũng như các quyền lợi khi hưởng bảo hiểm xã hội.
Chị Hảo cho hay, sau 8 năm đi làm, mức lương cơ bản tăng từ hơn 3,1 triệu đồng lên gần 4,5 triệu đồng. Theo bà Hảo, mức tăng này khá thấp, chưa cân xứng với giá cả thị trường. Nếu đi làm chỉ nhận lương cơ bản và phụ cấp rất khó đảm bảo cuộc sống.
“Tổng thu nhập của tôi hiện tại gần 10 triệu đồng. Trong đó, lương cơ bản gần 4,5 triệu đồng, các phụ cấp khác khoảng 2 triệu đồng còn lại là tiền tăng ca và tiền làm đêm. Nếu không có tăng ca thì rất khó chi tiêu hàng ngày” - chị Hảo nói.
So sánh với giá cả thị trường, nữ công nhân cho biết, giá gạo, giá thực phẩm, giá điện... đều tăng, thậm chí tăng cao, trong khi mức lương tối thiểu vùng chỉ tăng 6% sau 2 năm (từ năm 2022 - 2024) là khá thiệt thòi.
Theo chị Hảo, tiền tăng ca phụ thuộc rất nhiều vào lương cơ bản của người lao động. Lương cơ bản càng cao thì tiền tăng ca, tiền làm đêm càng nhiều, tổng thu nhập cả tháng từ đó cũng tăng lên tương ứng.
“Tháng 5.2024, lương cơ bản của tôi là 4,2 triệu đồng, thu nhập tháng đó khoảng 9,4 triệu đồng. Sang tháng 6.2024, công ty tăng lương cơ bản (trước quy định ngày 1.7.2024 của Nhà nước), tổng thu nhập tháng 6 của tôi đã tăng lên gần 10 triệu đồng” - chị Hảo cho hay.
Chị Hảo chia sẻ, khi lương tối thiểu vùng tăng thì công ty mới có căn cứ đóng bảo hiểm xã hội với mức lương cao tương ứng. Điều này đồng nghĩa cả khi làm giờ hành chính và tăng ca, quyền lợi đều tăng theo.
Nữ công nhân mong muốn năm 2025, lương tối thiểu vùng sẽ tăng lên ít nhất 10% để cân bằng lợi ích giữa công ty và người lao động, đồng thời đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (21 tuổi, Nam Định) - công nhân giày da - chia sẻ, chị thường xuyên quan tâm đến mức lương đóng bảo hiểm xã hội. Bởi trong tương lai, quyền lợi bảo hiểm ảnh hưởng rất nhiều đến các dự định của bản thân.
“Sắp tới, tôi và chồng có kế hoạch sinh con. Với mức lương cơ bản đóng bảo hiểm hiện tại, tôi dự tính chỉ nhận được khoảng 24 triệu đồng cho 6 tháng thai sản. Như thế rất khó đảm bảo được cuộc sống khi không tạo ra thu nhập” - chị Ngọc Anh nói.
Theo nữ công nhân, trong năm sẽ có khoảng 2 tháng công ty ít việc. Với mức lương cơ bản 4.085.000 đồng hiện tại, nếu chỉ làm 8h hành chính, chị Ngọc Anh chỉ được nhận khoảng 5,5 triệu đồng/tháng, rất khó đảm bảo các sinh hoạt cơ bản hàng ngày.
Bên cạnh đó, tháng 11.2024, nữ công nhân không may gặp tai nạn khi đi làm phải nhập viện điều trị 10 ngày. Số tiền chị Ngọc Anh nhận được cũng khá thấp, chỉ đủ để trang trải các chi phí khám, điều trị thông thường.
“Lương đóng bảo hiểm xã hội của tôi không quá cao nên 10 ngày nằm viện chỉ được 135.000 đồng/ngày đủ để chi trả tiền thuốc, điều trị, ăn uống hàng ngày tại viện sau khi đã được bảo hiểm y tế thanh toán 80%” - chị Ngọc Anh cho hay.
Nữ công nhân mong muốn năm 2025, lương tối thiểu vùng cần điều chỉnh tăng lên 15%. Có như vậy, nhỡ gặp biến cố sức khỏe hoặc thất nghiệp, thai sản cũng đỡ lo lắng chi phí, phiền muộn người thân.
https://laodong.vn/cong-doan/mong-luong-toi-thieu-vung-2025-tang-them-it-nhat-10-1445549.ldo