Bỏ xét tuyển sớm sẽ công bằng hơn trong tuyển sinh
TPHCM - Năm 2025, Bộ GDĐT sẽ bỏ hình thức xét tuyển sớm để đảm bảo hơn tính công bằng trong công tác tuyển sinh.
Năm 2025, Bộ GDĐT sẽ bỏ hình thức xét tuyển sớm. Ảnh: Chân Phúc
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), bộ sẽ công bố quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 trong tháng 2. Đặc biệt, so với dự thảo công bố trước đó sẽ có một số điều chỉnh.
Bộ GDĐT sẽ bỏ xét tuyển sớm, thay vì giới hạn chỉ tiêu 20% như dự thảo trước đó.
Bà Thủy cho hay, thí sinh dù trúng tuyển sớm vẫn phải nhập lại nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển chung và thí sinh chỉ có thể trúng 1 nguyện vọng. Xét tuyển sớm như những năm qua gây lãng phí thời gian và tài chính cho các trường cũng như thí sinh.
Ông Nguyễn Quang Phước - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh (Quận 12, TPHCM) - cho rằng, việc không còn xét tuyển sớm chỉ ảnh hưởng đến những học sinh có lực yếu, còn với học sinh có học lực trung bình trở lên sẽ không bị ảnh hưởng. "Đây là cách làm hay, đảm bảo tính công bằng hơn", ông Phước nói.
PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TPHCM cũng đồng quan điểm, không có xét tuyển sớm sẽ đảm bảo tính công bằng hơn trong tuyển sinh.
Ông lý giải: "Khi học sinh trúng tuyển sớm sẽ dễ có tâm lý "buông", không tập trung học, ôn tập nữa. Hơn nữa, các trường thường đẩy chỉ tiêu xét tuyển sớm lên cao để mong tuyển đủ sinh viên. Lúc này, số chỉ tiêu dành cho các phương thức khác như xét điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ còn ít, do đó điểm chuẩn phương thức này tăng cao. Điều này gây mất công bằng giữa những em tham gia xét tuyển sớm và những em tham gia đợt xét tuyển chung".
Còn theo TS Nguyễn Quốc Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TPHCM - việc bỏ xét tuyển sớm sẽ không ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của trường.
"Thực tế, những năm qua, các trường thực hiện xét tuyển sớm cũng phải chờ kết quả cuối cùng từ bộ. Do đó, việc bỏ hẳn xét tuyển sớm sẽ không ảnh hưởng nhiều đến trường", TS Nguyễn Quốc Anh nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng, việc bỏ xét tuyển sớm sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của học sinh. Bởi như trước đây, nếu học sinh đã trúng tuyển sớm ở một số trường, khi bước vào các kỳ thi sau đó, thí sinh sẽ thấy yên tâm hơn. Do đó, nếu bỏ xét tuyển sớm, một bộ phận học sinh có thể thấy áp lực.
https://laodong.vn/giao-duc/bo-xet-tuyen-som-se-cong-bang-hon-trong-tuyen-sinh-1465340.ldo
Chân Phúc (BÁO LAO ĐỘNG)