Điểm mới đặc biệt ở dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vừa được Quốc hội thông qua với nhiều cơ chế đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ, trong đó đáng chú ý là quy định cho phép phê duyệt dự án mà không cần điều chỉnh quy hoạch liên quan và áp dụng hình thức chỉ định thầu.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài tuyến chính 390,9km. Ảnh minh họa: dsvn.vn
Tạo ra khoảng 90.000 việc làm
Ngày 19.2, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để triển khai thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Dự án tạo tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ; tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 4,4 tỉ USD, ước tính tạo ra khoảng 90.000 việc làm trong thời gian xây dựng và khoảng 2.500 việc làm lâu dài trong quá trình vận hành, khai thác; góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh Quochoi.vn
Điểm đầu của dự án tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng); chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km; chiều dài các tuyến nhánh khoảng 27,9 km; đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 203.231 tỉ đồng; đầu tư mới toàn tuyến đường đơn, khổ 1.435 mm; vận chuyển chung hành khách, hàng hóa; tốc độ thiết kế 160 km/h đối với tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng, tốc độ thiết kế 120 km/h đối với đoạn qua khu vực đầu mối thành phố Hà Nội, tốc độ thiết kế 80 km/h đối với các đoạn tuyến còn lại.
Hai cơ chế đặc thù mới
Bà Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đã chỉ rõ những điểm đặc biệt, đặc thù có trong Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Bà Yến cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 172/2024/QH15 đồng ý chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Nghị quyết này có 19 chính sách, cơ chế đặc thù để thực hiện đầu tư dự án.
Còn tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Trong nội dung Nghị quyết có 18 cơ chế đặc thù được đưa vào trong nội dung dự thảo Nghị quyết.
Bà Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh Quochoi.vn
Theo bà Yến, về cơ bản, các chính sách đưa ra trong Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đều dựa trên cơ chế, chính sách đặc thù đã áp dụng để cho phép xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Tuy nhiên, có 1 số chính sách mà các đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra, ban soạn thảo đã thảo luận, cẩn trọng đưa vào, mục đích đảm bảo tổ chức thực hiện nhanh, thuận lợi, rút ngắn quá trình.
Chính sách mới hơn so với Nghị quyết 172 nằm ở Khoản 15, Điều 3, quy định về trường hợp việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án có nội dung khác với quy hoạch có liên quan thì dự án được phê duyệt mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch.
"Sau khi dự án được phê duyệt, các quy hoạch có liên quan phải được kịp thời rà soát, điều chỉnh, cập nhật và công bố. Điều này giúp quá trình thực hiện dự án được nhanh chóng", bà Yến giải thích.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, một chính sách đặc biệt khác tại Nghị quyết là ở Khoản 17, Điều 3, cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu các gói thầu thuộc dự án.
Luật Đấu thầu có quy định cho phép 1 số các trường hợp được thực hiện hình thức chỉ định thầu. Với dự án này, Quốc hội đồng ý để đảm bảo đúng tiến độ dự án. Cho phép cơ quan tổ chức thực hiện được quyền sử dụng chỉ định thầu nếu cần thiết. "Đây là chính sách ưu việt dành cho dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng", bà Yến chỉ rõ.
https://laodong.vn/thoi-su/diem-moi-dac-biet-o-du-an-duong-sat-lao-cai-ha-noi-hai-phong-1465424.ldo
Cát Tường - Vân Trang (BÁO LAO ĐỘNG)