Quy mô 3 cầu hơn 43.000 tỉ đồng sắp được xây dựng ở Hà Nội
Hà Nội - Ba cầu qua sông Hồng, tổng vốn đầu tư hơn 43.000 tỉ đồng sắp được xây dựng giúp giảm ùn tắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Phát biểu tại hội nghị Chính phủ và các địa phương ngày 21.2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, thành phố sẽ tập trung triển khai những dự án lớn tạo động lực thúc đẩy phát triển cho vùng, khu vực như: Khởi công xây dựng ba cầu qua sông Hồng (Tứ Liên, Thượng Cát, Trần Hưng Đạo) và dự án đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc).
Cầu Tứ Liên khi hoàn thành. Ảnh: Đơn vị thiết kế
Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa với tổng chiều dài khoảng 5,15km. Điểm đầu kết nối với đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, điểm cuối qua nút giao với đường Trường Sa.
Cầu chính Tứ Liên vượt sông Hồng chiều dài 1km, bề rộng 43m (bao gồm phần bố trí neo dây văng). Cầu vượt sông Đuống chiều dài khoảng 0,3km, bề rộng 44m. Cầu vượt đê tả Đuống hiện tại chiều dài khoảng 0,08km, bề rộng 35m. Cầu dẫn phía Tây Hồ, Long Biên dài khoảng 1,4km có bề rộng thay đổi từ 27,5m - 44m. Cầu dẫn phía Đông Anh (vượt trục TC13 quy hoạch) dài khoảng 0,4km có bề rộng 35m.
Đồng thời, xây dựng hầm chui quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ với bề rộng xe chạy 24,5m trên trục đường Tứ Liên tổng chiều dài phần hầm khoảng 1,265km.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án 20.171 tỉ đồng. Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2027.
Phối cảnh cầu Trần Hưng Đạo. Ảnh: Đơn vị thiết kế
Dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo có tổng chiều dài khoảng 5,6km. Điểm đầu tại ngã 5 Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông quận Hoàn Kiếm. Điểm cuối kết nối với phố Vũ Đức Thận, quận Long Biên.
Đường dẫn hai đầu cầu đầu tư với quy mô mặt cắt ngang 30m, tổng chiều dài khoảng 2,25km (phía trung tâm thành phố khoảng 0,25km, Long Biên khoảng 2,0km).
Cầu chính vượt sông Hồng có kết cấu cầu vòm bao gồm 6 nhịp với quy mô mặt cắt ngang khoảng 43m, đảm bảo 6 làn xe cơ giới. Cầu dẫn sử dụng kết cấu dầm hộp với chiều dài nhịp điển hình khoảng 40m-45m, quy mô bảo đảm 6 làn xe cơ giới.
Đồng thời, xây dựng hầm chui trực thông tại vị trí giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh/đường sắt Hà Nội - Hải Phòng có quy mô 4 làn xe bề rộng khoảng 19,5m, tổng chiều dài khoảng 650m với chiều dài hầm kín khoảng 150m.
Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh tại 4 nút giao: Nút giao khác mức với đường Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái; nút giao với đường đê Tả Hồng (đường Long Biên - Xuân Quan) và đường Cổ Linh; nút giao bằng với đường Nguyễn Sơn; nút giao khác mức với đường Nguyễn Văn Linh/đường sắt Hà Nội - Hải Phòng.
Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2025 - 2027. Tổng mức đầu tư dự án hơn 15.967 tỉ đồng.
Vị trí xây dựng cầu Thượng Cát. Ảnh: UBND TP Hà Nội
Dự án cầu Thượng Cát (thành phần 2, không bao gồm giải phóng mặt bằng) có tổng chiều dài cầu và đường hai đầu cầu là 5,226km, trong đó chiều dài cầu chính là 780m; cầu dẫn phía Bắc Từ Liêm và Đông Anh dài 3,125km; đường hai đầu cầu dài 1,321km; tổng mức đầu tư dự kiến hơn 7.300 tỉ đồng.
Cầu Thượng Cát được thiết kế với 8 làn xe (6 làn xe cơ giới và 2 làn thô sơ), bề rộng cầu chính 35m, cầu dẫn 31m; đường dẫn phía Nam có mặt cắt ngang điển hình 60m, (6 làn xe cơ giới, 2 làn thô sơ trên chính tuyến, và 2 đường song hành). Đường dẫn phía Bắc có mặt cắt ngang điển hình là 50m (4 làn xe cơ giới, 2 đường song hành).
Theo phương án, vị trí đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, điểm đầu dự án nằm tại nút giao với đường Kỳ Vũ, phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm. Điểm cuối nằm tại nút giao với đường 23B, thuộc xã Đại Mạch, huyện Đông Anh.
https://laodong.vn/giao-thong/quy-mo-3-cau-hon-43000-ti-dong-sap-duoc-xay-dung-o-ha-noi-1467321.ldo
HỮU CHÁNH (BÁO LAO ĐỘNG)